Mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý bao gồm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý liên quan đến vụ việc mua bán người cho dù họ có hay không có khó khăn về tài chính. Khác với những biện pháp hỗ trợ khác đều có quy định về thời gian hỗ trợ, riêng biện pháp trợ giúp pháp lý không quy định về thời gian mà chỉ hạn chế bằng phạm vi trợ giúp pháp lý.

Nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai

Giới thiệu về điểm mới của Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, Luật gồm 8 chương, 63 Điều, trong đó, xây dựng mới 10 Điều, sửa đổi, bổ sung 51 Điều, bỏ 7 Điều. Các chính sách quy định trong Luật đều hướng đến mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn hành vi mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Nguyên tắc mới là lấy nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân làm trung tâm, thể hiện tính nhân đạo và sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người, nhất là trong bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

 Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm

Kế thừa quy định của Luật năm 2011, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024 đã quy định về quản lý an ninh, trật tự trong đó có quản lý, giám sát đối tượng đã từng bị kết án về tội mua bán người và đối tượng khác có dấu hiệu thực hiện hành vi mua bán người.

Một trong những điểm mới của Luật là nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai.

Luật quy định về trường hợp nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân đến trình báo là để bảo đảm quyền lợi tối đa của nạn nhân, không dẫn đến chồng chéo về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết. Quy định này cũng kế thừa Luật hiện hành và qua tổng kết cho thấy, quá trình thực hiện không gặp khó khăn, vướng mắc.

Đồng thời, để việc hỗ trợ cho người đến trình báo là nạn nhân được kịp thời, nhanh chóng và phải thực hiện ngay, Luật đã quy định theo hướng khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, cơ quan chuyên môn về Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện ngay việc tiếp nhận và chậm nhất là 3 ngày phải chủ trì, phối hợp với Công an huyện để xác minh thông tin ban đầu.

Luật giao Chính phủ quy định về tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống mua bán người để tiếp nhận tố giác, tin báo về hành vi mua bán người.

Đối với việc xác minh, xác định nạn nhân thường đi cùng với giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người, nên thời hạn xác minh cần phù hợp với quy định về thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của Bộ luật Tố tụng hình sự là 20 ngày. Riêng đối với các trường hợp phức tạp thì thời hạn xác minh là 2 tháng và nếu vẫn chưa thể xác định được nạn nhân trong thời hạn 2 tháng thì thời hạn xác minh có thể kéo dài thêm, nhưng tổng thời gian xác minh không quá 4 tháng. Thời hạn này cơ bản là phù hợp, đủ thời gian cho các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ xác minh nạn nhân và cũng cơ bản phù hợp với thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thời gian hỗ trợ về tâm lý. Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho nạn nhân, Luật còn quy định một số trường hợp với căn cứ xác định nạn nhân rất linh hoạt.

Hỗ trợ phải kịp thời, chính xác, giữ bí mật thông tin

Điểm nhấn của Luật là đã quy định rõ sau khi được giải cứu thì cơ quan chuyên môn về Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện việc hỗ trợ đối với người được giải cứu. Theo đó, nếu họ có nguyện vọng trở về nơi cư trú thì được hỗ trợ chi phí đi lại; nếu cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý hoặc chưa xác định được nơi cư trú mà có nguyện vọng được lưu trú thì được chuyển giao cho cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Trường hợp Ngôi nhà bình yên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hoặc cơ sở trợ giúp xã hội khác nếu được cấp giấy phép hoạt động theo quy định Luật cũng sẽ được tham gia hỗ trợ nạn nhân.

Một trường hợp phát sinh trên thực tế là trẻ em được sinh ra trong thời gian người mẹ bị mua bán. Các trẻ em này không là đối tượng trực tiếp của hành vi mua bán người do không thuộc phạm vi khái niệm mua bán người theo quy định của Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, Luật đã quy định về hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, phiên dịch, pháp luật, trợ giúp pháp lý, tâm lý, chi phí đi lại, học văn hóa.

Với trường hợp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp bị thất lạc, trong trường hợp nạn nhân có yêu cầu đều sẽ được cấp lại, tương tự như việc cấp lại các loại giấy tờ khác (thẻ căn cước, giấy phép lái xe...).

Luật cũng xác định nguyên tắc và trách nhiệm thực hiện hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là việc “hỗ trợ phải kịp thời, chính xác, giữ bí mật thông tin và không xúc phạm, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân”, “bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ phù hợp với tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam, phù hợp với độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, đặc điểm cá nhân của họ”. Ngoài ra, Luật còn quy định trách nhiệm trong việc hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ được quy định của Luật.

Luật đã mở rộng đối tượng trợ giúp pháp lý bao gồm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng được trợ giúp pháp lý liên quan đến vụ việc mua bán người cho dù họ có hay không có khó khăn về tài chính. Khác với những biện pháp hỗ trợ khác đều có quy định về thời gian hỗ trợ như tâm lý là 3 tháng, bảo hiểm y tế là 1 năm đầu tiên, học văn hóa là 2 năm…, riêng biện pháp trợ giúp pháp lý không quy định về thời gian hỗ trợ mà chỉ hạn chế bằng phạm vi trợ giúp pháp lý. Nếu không giới hạn phạm vi trợ giúp pháp lý chỉ liên quan đến vụ việc mua bán người thì nạn nhân sẽ được hỗ trợ về mọi vấn đề trong suốt cuộc đời còn lại sau khi được cấp giấy xác nhận là nạn nhân. Điều này là không phù hợp và không bảo đảm nguồn lực để thực hiện (giấy xác nhận là nạn nhân không quy định về thời hạn).

Luật cũng quy định rõ về việc sơ, cấp cứu ban đầu sẽ do các cơ quan, tổ chức tiếp nhận hoặc giải cứu tiến hành; việc phục hồi sức khỏe trong thời gian lưu trú sẽ do cơ sở trợ giúp xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện. Việc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên kể từ khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận là nạn nhân sẽ do cơ quan chuyên môn về Lao động, Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi nạn nhân trở về nơi cư trú thực hiện. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách hỗ trợ y tế và hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Luật quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; còn các quy định về quản lý, vận hành, giám sát các cơ sở này sẽ do Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn ở từng thời kỳ.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mo-rong-doi-tuong-tro-giup-phap-ly-post402486.html