Mở rộng dư địa tăng trưởng logistics Việt Nam
Việt Nam được xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 14-16%. Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023 Việt Nam thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu Asean.
Cụ thể, theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2023 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi, tăng 1 bậc so với năm trước. Với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 14-16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu của Việt Nam.
Việt Nam cũng thuộc nhóm 5 trong khối ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong tháng 4/2023.
Hiện nay, khoảng 90% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng logistics thông minh còn nhiều hạn chế. Để khai thác tối đa dư địa tăng trưởng của ngành logistics, Công ty SLP (SEA Logistic Partners - đơn vị vận hành và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp) cho rằng, Việt Nam cần quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ, có những ưu đãi nhất định thu hút đầu tư và đặc biệt chú trọng hợp tác và hội nhập ngành.
Theo Công ty SLP, về cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần tập trung tăng cường cơ sở hạ tầng của ngành logistics, bao gồm mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Việc đầu tư vào hệ thống kho thông minh, trung tâm phân phối và cơ sở vật chất đa phương thức hiện đại sẽ hợp lý hóa hoạt động và cho phép vận chuyển hàng hóa hiệu quả hơn.
Về công nghệ, các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu và tự động hóa có thể tăng cường đáng kể hiệu quả hoạt động, quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa tuyến đường và dịch vụ khách hàng.
“Việt Nam nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng những công nghệ này, bằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng hiện đại để hỗ trợ hoạt động logistics hiệu quả”, lãnh đạo SLP khuyến nghị.
SLP gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2020, hiện có hơn 1 triệu mét vuông diện tích nhà kho hiện đại, chất lượng cao. Có 9 dự án có vị trí chiến lược tại các khu công nghiệp xung quanh Hà Nội và TP.HCM. Các kho của SLB đặt tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An và Vĩnh Long, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hậu cần hiện đại và công nghệ tiên tiến.
Ngoài việc đầu tư và phát triển kho bãi, SLP cho biết có thể sẽ xây dựng và nâng cấp nhiều nhà máy và cơ sở hạ tầng hậu cần khác phù hợp với yêu cầu cụ thể của thị trường và khách hàng. SLP có những lợi thế đáng kể về quy mô và mạng lưới, cho phép chúng tôi cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho khách hàng khi họ mở rộng hoạt động.
Mục tiêu phát triển của ngành logistics tới năm 2025 là tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50 - 60%, chi phí giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên… Để đạt được mục tiêu trên cần những giải pháp đồng loạt từ nhà nước, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng kết hợp công tư, huy động tối đa nguồn vốn tư nhân như các địa phương đã huy động để phát triển sân bay, đường cao tốc, bến cảng, kho bãi…; phát huy tối đa vai trò của vận tải đa phương thức, vận tải đường thủy nội địa và đường sắt liên vận, khuyến khích hậu cần bền vững với môi trường bằng cách chuyển sang ít sử dụng các-bon hơn.
Các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển công nghệ và bổ sung thêm những dịch vụ giá trị gia tăng. Các giải pháp kho bãi phải thích nghi với sự xuất hiện của các loại hình mới như thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối...
Về vấn đề này, SLP cho biết phục vụ khách thuê trong cả lĩnh vực thương mại điện tử và bán lẻ - những phân khúc khách hàng chiến lược quan trọng. Nhận thấy rõ nhu cầu vận hành riêng biệt của các khách thuê thương mại điện tử và bán lẻ, SLP Việt Nam đưa ra các giải pháp kho bãi phù hợp với từng nhu cầu khách thuê. Những giải pháp này liên quan đến việc thiết kế và xây dựng cơ sở vật chất tùy chỉnh để phù hợp chính xác với yêu cầu của từng người thuê. Cách tiếp cận này đảm bảo quy trình làm việc được sắp xếp hợp lý và nâng cao năng suất, vì SLP cộng tác chặt chẽ với người thuê để hiểu rõ quy trình kinh doanh của họ và điều chỉnh cơ sở vật chất cho phù hợp.
Mục tiêu kinh doanh chung của SLP là thúc đẩy tăng trưởng cùng với các đối tác và khách hàng, trở nên vượt trội trong ngành, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và thúc đẩy sự phát triển chung của lĩnh vực hậu cần. Do đó, SLP luôn sẵn sàng cung cấp các giải pháp phù hợp và toàn diện cho nhóm khách hàng bán lẻ và thương mại điện tử cũng như các phân khúc khác trong ngành chuỗi cung ứng.
Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" do Báo Đầu tư và Công ty SLP Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Khách sạn InterContinental Saigon vào thứ Năm (ngày 5/10).
Với sự tham dự của hơn 300 khách mời quốc tế và trong nước, Hội nghị Logistics 2023 sẽ phân tích và thảo luận chuyên sâu các động lực tăng trưởng cho ngành logistics, các vấn đề cung - cầu và những thay đổi trong xu hướng thuê kho vận, nhà xưởng tại Việt Nam hiện nay, xu hướng phát triển các dịch vụ logistics hiện đại, logistics xanh, hướng đến phát triển bền vững; đánh giá những cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa bài toán chi phí - lợi ích nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh…
Thông tin Hội nghị sẽ được đăng tải trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư và Báo điện tử Đầu tư, cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng.