Mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô

Số liệu của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô tại Việt Nam còn khá ít, mới chỉ khoảng 300 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

Trên thực tế, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng mới sản xuất, gia công chưa được 300 chi tiết trong khi cả chiếc xe có khoảng 30.000 chi tiết linh kiện. Bên cạnh đó, hàm lượng công nghệ và giá trị các chi tiết linh kiện, phụ tùng này cũng chưa cao khi mới chỉ là những linh kiện cồng kềnh, cần nhiều nhân công như ghế, bộ dây điện, vành bánh xe, ốp cửa, lốp không săm... và một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe. Những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn, hệ thống điện tử trên xe, đặc biệt là chip bán dẫn, doanh nghiệp nội địa chưa sản xuất được và phải phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu.

 Cần nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nhằm gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: P.T

Cần nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nhằm gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: P.T

Tại Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, nêu rõ: Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế.

Với dự báo nhu cầu ô tô của nước ta, năm 2025 theo phương án trung bình khoảng 800 - 900 nghìn xe và năm 2030 khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe, nếu không phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, toàn bộ thị trường xe con là xe nhập khẩu; xe khách và xe tải nhập khẩu 50%, 50% sản xuất trong nước với tỷ lệ nội địa hóa 50%, thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 dự kiến khoảng 12 tỷ USD và năm 2030 là 21 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, nếu không sớm có giải pháp, chính sách hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước phát triển thì nước ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô cho các hãng FDI tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, nhằm hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tập trung phát triển một số dòng xe chiến lược để tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Bảo vệ thị trường cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô bằng các hàng rào kỹ thuật, thuế quan phù hợp cam kết quốc tế và thực trạng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa: Điều chỉnh chính sách về thuế, phí, lệ phí, tài chính theo hướng ưu đãi, hỗ trợ cho tỷ lệ giá trị nội địa đối với ô tô sản xuất trong nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng nội địa hóa.

Ông Phạm Tuấn Anh cũng cho rằng cần nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của Chính phủ đối với công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô nói riêng, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm.

Ngành công nghiệp ô tô cũng cần những chính sách đủ mạnh để giải quyết các vấn đề như chi phí đầu tư lớn trong khi sản lượng nhỏ và chưa có công nghiệp vật liệu chất lượng cao… để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách chi phí, mở rộng được mạng lưới linh kiện nội địa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ trong tương lai.

Khôi Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mo-rong-duoc-mang-luoi-linh-kien-noi-dia-thuc-day-su-phat-trien-cua-nganh-cong-nghiep-ho-tro-o-to-post393917.html