Mở rộng hợp tác với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, NATO ký thỏa thuận chính thức đầu tiên với một nước châu Á

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 4 đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã nhất trí khởi động các dự án trong 4 lĩnh vực, trong khi ký kết với Hàn Quốc một thỏa thuận chính thức đầu tiên.

Tiêm kích FA-50 của không quân Hàn Quốc. Seoul và NATO đã ký một thỏa thuận về quy trình công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận đủ điều kiện bay quân sự, mở ra cơ hội lớn cho quốc gia Đông Bắc Á tiếp cận các khách hàng trong liên minh này. (Nguồn: Defense Aerospace)

Tiêm kích FA-50 của không quân Hàn Quốc. Seoul và NATO đã ký một thỏa thuận về quy trình công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận đủ điều kiện bay quân sự, mở ra cơ hội lớn cho quốc gia Đông Bắc Á tiếp cận các khách hàng trong liên minh này. (Nguồn: Defense Aerospace)

Ngày 11/7, hãng tin Kyodo đưa tin, NATO và 4 nước nhóm nhóm IP4 (các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc) đã đồng ý khởi động “các dự án hàng đầu”, trong nỗ lực mở rộng thực tiễn hợp tác trước các thách thức an ninh liên quan đến nhau.

Các sáng kiến gồm phòng thủ mạng và chống thông tin sai lệch, cung cấp hỗ trợ y tế cho Ukraine và hợp tác về các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhà Trắng cho biết, các lãnh đạo NATO và những người đồng cấp từ 4 nước trên đã thảo luận về "sự kết nối ngày càng tăng giữa an ninh của châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" và đồng thời bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về sự hợp tác kinh tế và quân sự ngày càng sâu rộng của Triều Tiên với Nga.

Hai bên cũng thảo luận về những quan ngại chung về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

Trong khi đó, hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin, quốc gia Đông Bắc Á này và NATO đã ký một thỏa thuận về quy trình công nhận lẫn nhau đối với chứng nhận đủ điều kiện bay quân sự. Đây là thỏa thuận chính thức đầu tiên của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương với một quốc gia châu Á.

Theo thỏa thuận, NATO sẽ công nhận chứng nhận đủ điều kiện bay của chính phủ Hàn Quốc đối với các máy bay do nước này sản xuất, một thước đo quan trọng về khả năng thực hiện bay an toàn.

Thỏa thuận mới này dự kiến sẽ rút ngắn thời gian cần thiết để công nhận lẫn nhau với các thành viên khác của liên minh quân sự này.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng rằng, quá trình công nhận lẫn nhau này sẽ giúp tăng cường hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa Hàn Quốc và các thành viên NATO.

Năm 2022, Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Hàn Quốc đã ký thỏa thuận xuất khẩu 48 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 sang Ba Lan và đã hoàn tất chuyển giao 12 máy bay.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mo-rong-hop-tac-voi-cac-nuoc-an-do-duong-thai-binh-duong-nato-ky-thoa-thuan-chinh-thuc-dau-tien-voi-mot-nuoc-chau-a-278391.html