Mở rộng kênh tiếp cận vốn cho kinh tế tập thể

Có vai trò khá quan trọng trong các thành phần kinh tế, song dù có nhiều nỗ lực, kinh tế HTX ở Đồng Nai vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Phần lớn HTX ở trong tình trạng thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, trình độ quản lý, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế nên sức cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ chưa cao.

Trợ vốn để phát triển kinh tế HTX là nhiệm vụ quan trọng. Trong ảnh: Sản xuất tại HTX Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàng Tuyến (P.An Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh:V. Gia

Trợ vốn để phát triển kinh tế HTX là nhiệm vụ quan trọng. Trong ảnh: Sản xuất tại HTX Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàng Tuyến (P.An Hòa, TP.Biên Hòa). Ảnh:V. Gia

Trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2021, Đồng Nai cũng tính toán đến việc mở rộng quy mô của Quỹ trợ vốn HTX, chỉ đạo các tổ chức tài chính đẩy mạnh cho vay ưu đãi theo các chương trình của Chính phủ, địa phương đang áp dụng.

* Trăn trở từ các HTX

Từ năm 2016, Đồng Nai đã hoàn tất việc chuyển đổi các HTX theo Luật HTX. Mục tiêu chuyển đổi này nhằm nâng chất để các HTX hoạt động hiệu quả, năng động, có phương án sản xuất, kinh doanh... đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập. Với những yêu cầu này, HTX sẽ phải hoạt động bài bản như một doanh nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu trên không dễ thực hiện trong một sớm một chiều, nhiều HTX được thành lập để cho “đủ chỉ tiêu” về số lượng, hoạt động vẫn mang tính hình thức. Để giải bài toán khó này, ngoài việc tự nâng cao năng lực hoạt động, HTX cần sự đồng hành từ nhiều phía.

Được thành lập từ tháng 7-2018, HTX Dịch vụ nông nghiệp bưởi Tà Lài (H.Tân Phú) có 35 thành viên với tổng diện tích trồng cây trên 40ha, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Lãnh đạo HTX này cho hay, sản xuất theo quy trình VietGAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng việc tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào các thương lái tự do, với giá cả được đánh đồng như những loại bưởi ở các vùng khác. Vì thế, người trồng bưởi da xanh ở đây đều mong muốn được đăng ký một nhãn hiệu riêng và có được thị trường tiêu thụ ổn định đúng với nguồn gốc xuất xứ của nó.

Tương tự, tại HTX Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàng Tuyến (P.An Hòa, TP.Biên Hòa, ngành nghề cơ khí, sản xuất máy thông gió, hút bụi phục vụ các nhà máy trong khu công nghiệp), đầu ra sản phẩm khá ổn định song quy mô của HTX này còn nhỏ, thiếu vốn để mở rộng mặt bằng sản xuất.

Theo ông Phạm Anh Hoàng, Giám đốc HTX Hoàng Tuyến thì đơn vị là một trong những HTX đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động tương tự như hoạt động của các doanh nghiệp. Người đứng đầu HTX có chức danh giám đốc để điều hành quản lý, sản xuất. Mặc dù đã có hơn 10 năm phát triển song về quy mô HTX vẫn còn nhỏ, nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất cũng như vấp phải sự cạnh tranh từ sản phẩm nước ngoài.

“Chúng tôi ý thức được sứ mệnh của HTX và có tầm nhìn rất rõ ràng, phải luôn phấn đấu bằng chính nội lực của mình nhưng cũng rất cần được hỗ trợ bởi những thách thức cho các HTX trong thời hội nhập là khá lớn” - ông Hoàng trăn trở.

* Để HTX dễ tiếp cận vốn vay

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh, việc tiếp cận nguồn vốn vay của các HTX còn gặp nhiều khó khăn, nhất là từ các ngân hàng thương mại, bởi không có tài sản thế chấp. Đa số hoạt động của các HTX là hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế hộ gia đình nên hiệu quả sản xuất cũng còn thấp càng khiến cho cơ hội được vay vốn bị thu hẹp hơn.

Trong khi đó, quỹ trợ vốn cho HTX quy mô còn nhỏ nên chỉ tập trung cho vay vốn lưu động (dưới 12 tháng), chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của các HTX, nhất là những đơn vị cần vốn dài hạn. 6 tháng đầu năm 2020, Quỹ trợ vốn phát triển HTX đã giải ngân hơn 11,3 tỷ đồng cho các thành viên, tổ viên, người lao động trong các HTX, tổ hợp tác vay vốn. Trong đó ưu tiên cho các HTX vay để khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như các HTX lĩnh vực nông nghiệp vay để phát triển sản xuất. Nhờ đó, các HTX có thêm nguồn lực để tiếp tục đầu tư sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, giữ việc làm cho người lao động. Mặc dù vậy, số vốn nói trên vẫn chỉ là một phần nhỏ so với nhu cầu của hàng ngàn HTX trên địa bàn tỉnh.

Để khắc phục những hạn chế về chính sách tài chính cho HTX, tại Kế hoạch số 9873/KH-UBND ngày 17-8 về phát triển kinh tế tập thể năm 2021, UBND tỉnh giao Liên minh HTX tỉnh tiếp tục chỉ đạo và nâng cao hiệu quả của Quỹ trợ vốn HTX Đồng Nai. UBND tỉnh cũng sẽ xem xét chuyển số vốn tạm ứng từ ngân sách hiện tại sang cấp vốn. Đồng thời năm 2021, sau khi Quỹ hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ theo Nghị định của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ trợ vốn HTX thì sẽ được cấp thêm vốn 50 tỷ đồng.

Đối với việc cho vay từ các ngân hàng, UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ sự phát triển nông nghiệp nông thôn. Tăng cường chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Quỹ Đầu tư phát triển Đồng Nai, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai và các quỹ khác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX và thành viên của tổ hợp tác, thành viên HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Vương Thế

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202009/mo-rong-kenh-tiep-can-von-cho-kinh-te-tap-the-3022458/