Mở rộng không gian phát triển sau sáp nhập-Tầm vóc mới cho Ninh Bình
Hôm nay (1/7/2025)- một sự kiện chính trị trọng đại đã chính thức khắc ghi vào dòng chảy phát triển chung của đất nước: Ba tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định hợp nhất thành tỉnh Ninh Bình mới theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây không chỉ là thay đổi về mặt hành chính mà còn là cơ hội lịch sử để giải phóng mọi nguồn lực, phát huy đầy đủ tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, bản sắc riêng có của vùng đất văn hiến và anh hùng, mở ra một không gian phát triển mới, đưa Ninh Bình vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các đại biểu thực hiện nghi thức hợp long cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình và Nam Định. Ảnh: Anh Tuấn
Tối ưu hóa tiềm năng và lợi thế cạnh tranh
Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12 tháng 4 năm 2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.
Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.942,61 km2 , quy mô dân số hơn 4,4 triệu người, trở thành một trong những tỉnh có quy mô lớn nhất cả nước (lớn thứ 6 cả nước nếu tính theo các tỉnh hiện nay), tạo ra một không gian phát triển rộng lớn hơn, đủ sức vươn tầm khu vực và quốc tế.
Điều đặc biệt làm nên giá trị của tỉnh Ninh Bình mới chính là sự hợp nhất của những không gian văn hóa và lịch sử đặc sắc: Ninh Bình tự hào với Cố đô Hoa Lư ngàn năm lịch sử linh thiêng, có Quần thể danh thắng Tràng An-Di sản hỗn hợp thế giới độc đáo.
Nam Định là nơi phát tích vương triều Trần hào hùng, cái nôi của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và là vùng đất học với truyền thống khoa bảng lừng lẫy. Hà Nam mang trong mình dấu ấn văn hóa Đông Sơn cổ kính, nơi lưu giữ nhiều di tích và lễ hội đậm đà bản sắc.
Khi ba dòng chảy văn hóa này hòa quyện, Ninh Bình mới không chỉ sở hữu gần 5.000 di tích mà còn là một kho tàng di sản sống động, mở ra không gian phát triển du lịch di sản, công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo không giới hạn.
Mặt khác, tỉnh Ninh Bình mới được thành lập kết nối những thế mạnh của cả 3 địa phương: Hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại cả về đường bộ, đường sắt, đường biển.
Sau sáp nhập, không gian phát triển mới của tỉnh được mở rộng, có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, là “cửa ngõ” phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ, thuộc các hành lang kinh tế: Bắc-Nam (Cao tốc BắcNam, Cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, Quốc lộ 1, Quốc lộ 10, Quốc lộ 45); hành lang kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ và hành lang kinh tế Đông-Tây (gồm: Quốc lộ 21 và trục Nam Định-Lạc Quần; Quốc lộ 12B và trục Nho Quan-Kim Sơn).
Đây là điểm kết nối trung chuyển của ba vùng kinh tế lớn: Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung, cùng vùng trung du và miền núi phía Bắc (khu vực Tây Bắc). Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới có không gian biển, ven biển mở rộng gần gấp 5 lần so với tỉnh Ninh Bình cũ, với chiều dài bờ biển tăng từ 15km lên hơn 88km, vươn ra vịnh Bắc Bộ-Bắc biển Đông.
Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối đồng bộ hạ tầng khung chiến lược và đặc biệt là mở rộng không gian phát triển kinh tế biển. Việc hợp nhất 3 tỉnh còn mở ra một không gian kinh tế phát triển rộng lớn đầy hứa hẹn khi những năm gần đây 3 tỉnh đã có những bước tiến đáng kể trong đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tính đến cuối năm 2024, quy mô kinh tế toàn vùng ước đạt 310.282 tỷ đồng, xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập; thu ngân sách đạt 55.018 tỷ đồng, xếp thứ 6/34; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 17,56 tỷ USD, chiếm 12,3% khu vực Đồng bằng Sông Hồng và 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Mặt khác, 3 tỉnh vốn có thế mạnh riêng, nổi trội: Ninh Bình với Trung tâm di sản và động lực đổi mới sáng tạo; Nam Định với Trung tâm văn hóa, giáo dục và tiềm năng kinh tế biển; Hà Nam-Trung tâm công nghiệp công nghệ cao. Giờ đây, những “mảnh ghép” này sẽ được liên kết chặt chẽ, tạo thành một chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ, du lịch, văn hóa đồng bộ, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, sau hợp nhất, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình mới với quy mô lớn hơn và đội ngũ đảng viên đông đảo, Đảng bộ mới sẽ là hạt nhân quy tụ trí tuệ, kinh nghiệm và tinh thần cống hiến của hàng trăm nghìn đảng viên, đại diện cho ý chí của Nhân dân. Sự đồng lòng này sẽ tạo nên một khối thống nhất, vững mạnh, đủ sức vượt qua mọi thách thức và kiến tạo những bước đột phá mới cho khu vực.
Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ mới không chỉ đến từ quy mô, mà còn từ tầm nhìn chiến lược, khả năng đoàn kết và ý chí quyết tâm cao để đưa Ninh Bình, cùng với diện mạo mới, phát triển lên tầm cao mới, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Khát vọng vươn tầm thành phố trực thuộc Trung ương
Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội sau hợp nhất, tỉnh Ninh Bình mới đặt ra mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Chính vì vậy, hợp nhất không chỉ là câu chuyện của kinh tế vĩ mô hay quy hoạch địa giới, đó còn là câu chuyện về khát vọng của hơn 4,4 triệu người dân 3 tỉnh sau khi hợp nhất. Họ kỳ vọng vào một bộ máy hành chính tinh gọn hơn, minh bạch hơn, phục vụ hiệu quả hơn. Họ mong chờ một cuộc sống chất lượng hơn, với hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện, giáo dục và y tế được đầu tư xứng tầm.
Ông Lâm Xuân Tặng, một lão nông ở Hải Lộc, Hải Hậu, Nam Định (cũ) không giấu nổi niềm xúc động: Tôi đã chứng kiến nhiều đổi thay của quê hương, trong đó có câu chuyện phát triển của tỉnh Hà Nam Ninh xưa.
Giờ đây, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình lại hợp nhất thành tỉnh Ninh Bình, tôi tin rằng việc mở rộng không gian phát triển sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm hơn, thu nhập ổn định hơn, và một môi trường sống trong lành hơn. Tôi cũng hy vọng những giá trị văn hóa truyền thống sẽ được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ hơn, làm giàu thêm đời sống tinh thần và là niềm tự hào của mỗi người con trên mảnh đất này. Kỳ vọng và tin tưởng có lẽ là tâm trạng chung của hàng triệu người dân tỉnh Ninh Bình mới.
Ông Trịnh Hùng Mạnh, CCB xã Khánh Thượng, Yên Mô (cũ) cho rằng: Mở rộng không gian trên nền tảng văn hóa, lịch sử và tiềm năng kinh tế cho thấy sự hợp nhất Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định chính là lời khẳng định về một tư duy phát triển vượt ra ngoài những giới hạn cũ, kiến tạo một thực thể hành chính mới với quy mô lớn hơn. Đây không chỉ là con số mà là một không gian địa lý rộng lớn cho phép quy hoạch tổng thể và bền vững hơn. Việc sáp nhập này đã đặt ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Ninh Bình trong tương lai.
Theo TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững: Hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình mở ra một cơ hội lớn: Tái định vị du lịch Ninh Bình với quy mô và tầm vóc mới, khai phá những tiềm năng chưa được tận dụng, hứa hẹn tạo đột phá cho sự phát triển du lịch liên vùng.
Đây là thời điểm để tái cấu trúc không gian phát triển, định hướng lại các ngành, lĩnh vực dựa trên tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, bản sắc riêng có của từng tỉnh hiện nay với tầm nhìn xây dựng tỉnh Ninh Bình mới là một trung tâm của vùng và của cả nước, hướng tới mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương.
Chị Nguyễn Thị Oanh, phường Châu Cầu, thành phố Phủ Lý, Hà Nam (cũ) một cán bộ trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết, chia sẻ: Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, cùng với những cơ chế đặc thù, vượt trội sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để huy động tổng thể các nguồn lực từ Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tôi kỳ vọng, sau hợp nhất, tỉnh Ninh Bình mới sẽ cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Nam Định sẽ chính thức “về chung một nhà”. Trong ngôi nhà chung, người dân kỳ vọng sẽ tiếp tục khơi dậy những nguồn lực khổng lồ, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, và thúc đẩy khát vọng vươn mình.
Sự đồng lòng và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ mới sẽ tạo nên một khối thống nhất, vững mạnh, đủ sức vượt qua mọi thách thức và kiến tạo những bước đột phá mới cho khu vực, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, sớm hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh Ninh Bình mới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.