Mở rộng liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) đã đến lúc cần mở rộng liên kết, khai thác tiềm năng, lợi thế ra phạm vi vùng và học tập kinh nghiệm những khu vực lớn, nước lớn. 'Muốn đi xa phải đi cùng nhau' là lời khuyên của nhiều chuyên gia khi nói về giải pháp xây dựng hệ sinh thái KNST cho Huế.
![Liên kết vùng sẽ đem lại nhiều lợi ích về đầu tư vốn, công nghệ và thị trường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_459_51435163/2f20605e5b10b24eeb01.jpg)
Liên kết vùng sẽ đem lại nhiều lợi ích về đầu tư vốn, công nghệ và thị trường
Kết nối các điểm mạnh
Đến nay, Việt Nam ước tính có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp KNST. Các quỹ đầu tư, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trung tâm KNST tại địa phương và quốc gia phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trong đó có Huế là cửa ngõ kết nối giữa hai miền Bắc và Nam và cũng là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên và Lào. Với 14 tỉnh, thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, có bờ biển dài hơn 1.900km cùng hệ sinh thái biển phong phú, đây là khu vực có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch.
Các trung tâm khởi nghiệp lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đã có những bước tiến trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. TP. Hồ Chí Minh thành công trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và Fintech nhờ vào các chương trình hỗ trợ từ chính quyền địa phương và sự liên kết mạnh mẽ với các trường đại học lớn. Thành phố Huế cũng đã xây dựng hệ sinh thái KNST bằng cách tận dụng và khai thác thế mạnh di sản văn hóa - lịch sử, tài nguyên bản địa đặc trưng của địa phương để đưa vào các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, Huế đã đẩy mạnh giáo dục và nghiên cứu từ các trường đại học để tạo nền tảng căn bản, kiến thức vững chắc làm hành trang cho khởi nghiệp. Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Huế phát triển, dần hoàn thiện các thành tố trọng yếu nhất của một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, Chủ tịch FiNNO Group cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung còn đối diện với những thách thức lớn. Hạ tầng kinh tế chưa đồng bộ, tài nguyên chưa được khai thác tối ưu, năng suất lao động chưa cao và hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ so với các khu vực phát triển hơn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Nên theo ông Hùng, việc xây dựng một hệ sinh thái KNST ở cấp vùng sẽ là chìa khóa để khai thác tiềm năng và giúp khu vực vượt qua những hạn chế hiện tại.
Lợi thế khi cùng “bắt tay”
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Huế và tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời gian qua đã có những điểm nổi bật, có nhiều kết quả ấn tượng... Một số doanh nghiệp KNST trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, du lịch, xe tự hành... đã có những bước tăng trưởng mạnh và kết nối được với thị trường toàn quốc và thị trường nước ngoài.
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nhiều nguồn lực và thế mạnh để khai thác khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Chẳng hạn, khu vực này có bờ biển dài và hệ sinh thái biển phong phú, rất thuận lợi cho việc phát triển các ngành liên quan đến kinh tế biển và công nghệ môi trường. Bắc Trung Bộ là vùng sản xuất nông nghiệp lớn với các loại cây trồng đặc sản, nên việc ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp (IoT, AI, blockchain) có thể giúp tăng năng suất và giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Sở hữu nhiều di sản văn hóa thế giới và nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng, nên khởi nghiệp trong du lịch số, các nền tảng công nghệ quản lý du lịch thông minh và các dịch vụ trải nghiệm văn hóa cũng là hướng đi đầy tiềm năng. Nguồn nhân lực, lao động trẻ cũng là lợi thế lớn để tham gia học tập vào các lĩnh vực công nghệ mới, tạo ra sản phẩm khởi nghiệp, làm mạnh thêm hệ sinh thái KNST của địa phương và vùng.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của cơ quan chức năng, tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa được phát huy tương xứng và cần một chiến lược phát triển đồng bộ ở cấp vùng để tận dụng và khai thác tối đa các nguồn lực. Bên cạnh việc xây dựng hệ sinh thái riêng lẻ cho từng địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trên phạm vi vùng sẽ đem lại những lợi ích vượt trội.
Lợi ích trước tiên là cho phép tạo ra một mạng lưới liên kết giữa các địa phương, giúp tận dụng tối đa nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó, tăng cường tính cạnh tranh và khả năng phát triển của cả khu vực. Tiếp đến giúp bổ trợ các điểm mạnh - yếu cho nhau và khắc phục hạn chế về quy mô. Thêm nữa, mỗi địa phương trong vùng có quy mô kinh tế tương đối nhỏ, nếu phát triển riêng lẻ sẽ khó thu hút đầu tư lớn và hỗ trợ startup phát triển mạnh mẽ. Khi xây dựng hệ sinh thái vùng, các nguồn lực có thể được tập hợp lại, tạo ra quy mô đủ lớn về hạ tầng, con người... để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó tăng cơ hội phát triển cho các startup.
Với lợi thế về tiềm năng riêng có trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, di sản và được khai thác hiệu quả; đồng thời thúc đẩy liên kết vùng, hệ sinh thái KNST của Huế nói riêng và của vùng nói chung sẽ tiếp tục phát triển mạnh, sớm có nhiều doanh nghiệp KNST vươn tầm quốc gia và quốc tế.