Mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp Nhật tính đến rủi ro tranh chấp thương mại sẽ gia tăng
Mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Nhật Bản cũng tính đến rủi ro tranh chấp thương mại sẽ gia tăng.
Đây là thông tin được ông Kinoshita Tadahiro - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - chia sẻ tại Hội thảo “Thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam: Tìm cơ hội trong nghịch cảnh” do Hiệp hội Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức chiều 11/5, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - phân tích, các áp lực và sức ép từ thị trường thế giới đã khiến một số ngành/lĩnh vực kinh tế của Việt Nam gặp khó khăn và buộc phải thực hiện chuyển đổi theo các xu hướng mới hoặc buộc phải thực hiện tái cấu trúc, nhằm loại bỏ những phần kém hiệu quả và dồn nguồn lực vào những khu vực nhận được tín hiệu tốt/phản ứng tốt của thị trường.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi và tái cấu trúc này luôn đi kèm với các rủi ro pháp lý và cả các tranh chấp nếu không có sự quản lý tốt của doanh nghiệp.
Do đó, việc cùng nhau phân tích và tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc của một số ngành/lĩnh vực kinh doanh nổi bật tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay từ góc nhìn rủi ro pháp lý. Bên cạnh đó, nhận diện những cơ hội mới một cách toàn diện, đảm bảo đầu tư kinh doanh an toàn, bền vững tại Việt Nam là hết sức cần thiết.
“Cùng nhau thảo luận, trao đổi về những triển vọng, cơ hội của hai nền kinh tế Việt Nam và Nhật Bản, hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới, chúng ta tiếp tục đi cùng nhau, chia sẻ những mục tiêu chung, đó là thúc đẩy thị trường, góp phần đẩy mạnh sự hợp tác phát triển giao thương đầu tư giữa hai quốc gia”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Về phía Nhật Bản, ông Kinoshita Tadahiro - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam - chia sẻ, với thành viên là hơn 2.000 công ty Nhật Bản tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, một nửa trong số đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.
Trong đó, máy móc vận tải bốn bánh và hai bánh, điện tử và máy móc công nghiệp là những lĩnh vực chính và những ngành sản xuất này đòi hỏi đầu tư lớn, tạo ra một lượng lớn việc làm tại địa phương và thu hút nhiều ngành công nghiệp phụ trợ.
Trong những năm gần đây, trước nhu cầu cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu dùng sôi động của Việt Nam, các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào phát điện năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng sản xuất điện khác, cũng như phát triển đô thị, trung tâm mua sắm.
Có thể thấy từ kết quả khảo sát của JETRO và JBIC, Việt Nam là điểm đến phát triển kinh doanh hứa hẹn nhất trong ASEAN đối với các công ty Nhật Bản. Hơn 60% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, ông Kinoshita Tadahiro cho biết, đối với các công ty Nhật Bản, khi mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, (các nhà đầu tư) có tính đến rủi ro tranh chấp thương mại sẽ gia tăng. Chẳng hạn như không thực hiện đúng hợp đồng.
Ông Kinoshita Tadahiro dẫn chứng, năm ngoái đã có một vấn đề bất cập mà các doanh nghiệp vực sản xuất của Nhật Bản gặp phải liên quan tới việc thực hiện các quy định mới ban hành về phòng cháy chữa cháy, có những trường hợp nhà máy không thể đưa vào hoạt động mặc dù đã hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng và nhà kho do không xin được giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy.
Đối với công ty xây dựng, dù là công ty xây dựng Nhật Bản hoặc một công ty xây dựng địa phương tại Việt Nam đều không thể bàn giao được công trình. Do đó cũng không thể thu hồi chi phí xây dựng, còn chủ đầu tư là doanh nghiệp sản xuất thì cũng đánh mất cơ hội kinh doanh do sự chậm trễ trong việc đưa nhà máy vào hoạt động.
Việc cố gắng giải quyết những tranh chấp này tại tòa án là vô cùng tốn thời gian và chi phí, đồng thời các doanh nghiệp còn lo ngại về việc liệu tòa án có đưa ra phán quyết công bằng hay không.
Dự kiến nhu cầu của các doanh nghiệp về việc muốn xử lý nhanh chóng thông qua các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế sẽ tiếp tục tăng.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, các phán quyết của trọng tài Việt Nam và của trọng tài nước ngoài đều có thể cưỡng chế thi hành tại Việt Nam. Vì thế, trọng tài sẽ giúp đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thương mại và là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, phán quyết trọng tài của trọng tài nước ngoài phải được Tòa án Việt Nam công nhận thì mới có hiệu lực thi hành tại Việt Nam.
Trước đây, để thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, đã có trường hợp doanh nghiệp nộp đơn yêu cầu tòa án tại Việt Nam công nhận việc thi hành phán quyết trọng tài nhưng tòa án đã không công nhận khiến doanh nhiệp không thể thi hành được.
“Tôi nghe nói rằng tỷ lệ phán quyết trọng tài không được công nhận đã giảm trong những năm gần đây và có vẻ như tình hình đang được cải thiện”, ông Kinoshita Tadahiro nói và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và đề nghị cải thiện môi trường đầu tư trong việc sử dụng trọng tài.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 47,6 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2021. Như vậy, xuất siêu của Việt Nam đến Nhật Bản có giá trị 859 triệu USD, giảm 132% so với năm 2021.