Mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều thông qua 'cầu nối' Thương vụ
Từ những thị trường 'láng giềng' trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore,… đến các thị trường khó tính hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Anh,… vải thiều Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong kết quả này không thể không kể đến những đóng góp của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khi đã tích cực phát huy vai trò 'cầu nối'xúc tiến thương mại thời gian qua.
Vải thiều Việt Nam hiện diện tại 30 thị trường
Vải thiều là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, tập trung tại một số tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng, được tiêu dùng mạnh tại cả thị trường nội địa và 30 thị trường xuất khẩu tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
Mùa thu hoạch vải thiều năm 2023 tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đã tiêu thụ khoảng 6.000 tấn vải thiều chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Theo UBND huyện Lục Ngạn, ngay từ đầu vụ đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, khảo sát và ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều cho bà con.
Trong khi đó, Hải Dương năm nay đã thu hoạch được hơn 32.000 tấn vải. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước thì khoảng 16.000 tấn vải đã được xuất sang thị trường nước ngoài, chiếm 50% tổng sản lượng vải đã thu hoạch. Đáng chú ý, 3.000 tấn vải thiều đã được xuất sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Australia, số còn lại được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
Về thị trường xuất khẩu vải thiều Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục là thị trường truyền thống với nhiều lợi thế cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam; các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan,… được xác định là thị trường tiềm năng cần tiếp cận một các bài bản, nhấn mạnh vào chất lượng hàng hóa và thương hiệu sản phẩm.
Thương vụ phát huy vai trò “cầu nối”
Niên vụ vải thiều 2023 được kỳ vọng sẽ chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng trở lại do thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc đã mở cửa sau khi dỡ bỏ chính sách zero-Covid.
Trong những năm trước, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, vải thiều Việt Nam đều phải vận chuyển bằng đường bộ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là những thời điểm ùn tắc tại khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai. Tuy nhiên, mới đây, vải thiều đã được xuất khẩu bằng đường sắt qua ga Kép, mở ra một hướng đi mới thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân và bà con nông dân trồng vải trong hoạt động vận chuyển, xuất khẩu vải thiều sang thị trường này.
“Đường sắt liên vận ga Kép được khai thác, vận hành sẽ giúp hàng hóa nông sản Việt Nam, đặc biệt là vải thiều giảm Bắc Giang thiểu được khoảng cách quãng đường, thời gian, chi phi và các thủ tục chính sách về hải quan, kiểm dịch,… Từ đó, giảm áp lực, sự phụ thuộc vào hoạt động vận chuyển, xuất khẩu bằng hệ thống đường bộ như hiện nay. Đồng thời, hỗ trợ đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa rộng lớn, đầy tiềm năng của Trung Quốc” - Ông La Văn Nam - Chủ tịch huyện Lục Ngạn, Bắc Giang nhấn mạnh.
Việc xúc tiến sang các thị trường khác cũng được Bộ Công Thương cùng các cơ quan, đơn vị liên quan cùng địa phương và doanh nghiệp tích cực triển khai bằng những hoạt động thiết thực.
Theo đó, nhằm quảng bá hình ảnh cho trái vải thiều tươi Việt Nam qua đa dạng các kênh phân phối, các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã có những hoạt động cụ thể, hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu tại nhiều thị trường khác nhau.
Vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã đưa trái vải thiều Việt Nam đến giới thiệu, quảng bá tại Lễ hội Việt Nam tại Tokyo năm 2023. Tại đây, người tiêu dùng Nhật Bản có cơ hội ăn thử và cảm nhận vị ngon của trái vải, đồng thời có thể mua về làm quà tặng cho cho người thân và bạn bè. Trái vải Việt Nam đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng Nhật Bản. Sự kiện đã góp phần giúp trái vải thiều Việt Nam được biết đến và đón nhận, yêu mến hơn tại thị trường Nhật Bản.
Tại thị trường Singapore, Thương vụ Việt Nam cũng thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản thế mạnh của Việt Nam, trong đó, có việc xúc tiến tiêu thụ trái vải thông qua chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Singapore nhằm quảng bá hình ảnh trái vải Việt Nam cũng thư trải nghiệm, nếm thử trái vải tươi Việt Nam tại các sự kiện lớn.
Đặc biệt, vải thiều Việt Nam đã thâm nhập được vào một trong những thị trường khó tính nhất là Hoa Kỳ. Bộ Công Thương đã phối hợp với các doanh nghiệp uy tín, đem vải thiều Việt Nam đến bán đồng loạt tại chợ châu Á lớn nhất TP. Houston, Texas, Hoa Kỳ và nhiều siêu thị lướn bao gồm: Hong Kong, Tân Bình, Việt Hoa, Linda’s Tropical Fruits, Ca Mau,…
Hoạt động đã góp phần làm nên sự thành công chung của các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, quảng bá rộng rãi hình ảnh sản phẩm và thương hiệu Việt Nam uy tín tại thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ.
Đáng chú ý hơn, mới đây, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Anh. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa khi đem được 5 tạ vải không hạt sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không.
Có được những kết quả này, Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp kết nối, đồng hành để phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nghiên cứu, đánh giá thị trường và cung cấp thông tin về các hoạt động xuất nhập khẩu tại các thị trường trọng điểm, truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa để doanh nghiệp Việt khai thác.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều nói riêng và nông sản đến vụ nói chung tại thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác cung cấp, phổ biến thông tin về xu hướng, nhu cầu thị trường, các yêu cầu, quy định về xuất khẩu, qua đó hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp, mở rộng cơ hội tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường quốc tế.