Mở rộng tiếp cận nguồn lực tài chính cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Việc xây dựng khung tiêu chí rõ ràng, minh bạch, thân thiện và chấp nhận rủi ro đang được xem là 'chìa khóa' để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận các Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Cởi mở, minh bạch và chấp nhận rủi ro nghiên cứu
Theo Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc bám sát định hướng của Nghị quyết số 57-NQ/TW và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, sinh học, năng lượng tái tạo và vật liệu mới - đồng thời thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Sản xuất camera tại Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Cơ chế mới sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân đề xuất các nhiệm vụ có khả năng ứng dụng thực tiễn cao, giải quyết bài toán của doanh nghiệp và xã hội, tạo ra sản phẩm đổi mới, mô hình kinh doanh mới và có khả năng thương mại hóa.
Một điểm nhấn quan trọng trong khung tiêu chí mới là tinh thần “mở”, tức là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình xét duyệt, loại bỏ các rào cản hành chính không cần thiết. Hệ thống tiếp nhận hồ sơ sẽ chuyển sang trực tuyến, công khai tiến độ và kết quả để tăng tính minh bạch và tin cậy.
Đặc biệt, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu cũng được đưa vào như một nguyên tắc chủ đạo, học hỏi từ các quốc gia phát triển, nơi tỷ lệ thành công của dự án đổi mới sáng tạo chỉ vào khoảng 20 - 30%. Điều này giúp tạo niềm tin cho các nhà khoa học trẻ dám nghĩ, dám làm, không ngại thất bại.
Xây dựng tiêu chí tiếp cận theo nhóm đối tượng cụ thể
Theo định hướng mới, các Quỹ phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo sẽ ưu tiên hỗ trợ cho các nhóm đối tượng có năng lực triển khai và tiềm năng tạo ra sản phẩm ứng dụng thực tiễn. Trong đó bao gồm các tổ chức khoa học và công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học; doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; nhóm nghiên cứu mạnh; các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ và người Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, các tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cũng được đưa vào diện ưu tiên. Việc xác định rõ từng nhóm đối tượng giúp cơ chế tài trợ phù hợp hơn với nhu cầu và thế mạnh cụ thể, tăng hiệu quả sử dụng vốn và thúc đẩy lan tỏa đổi mới sáng tạo trong toàn hệ thống.
Cơ chế hỗ trợ được thiết kế đa dạng, phù hợp với đặc thù của từng nhiệm vụ và lĩnh vực nghiên cứu. Trong đó, các nhiệm vụ phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ cao và công nghệ có khả năng tạo đột phá sẽ được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, những đề án hướng đến ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống xã hội, cũng như các sáng kiến đổi mới mô hình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm mới đều thuộc diện được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là trọng tâm đầu tư. Cách tiếp cận linh hoạt này không chỉ giúp gia tăng tính khả thi và hiệu quả của các nhiệm vụ KH&CN, mà còn khuyến khích kết nối giữa nghiên cứu với nhu cầu cấp thiết của xã hội và nền kinh tế.
Mỗi hồ sơ xét duyệt đều phải đáp ứng được tiêu chí về năng lực triển khai, như năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, kinh nghiệm triển khai, khả năng huy động thêm nguồn lực xã hội hóa.
Một nguyên tắc xuyên suốt là đề cao hiệu quả đầu ra, giảm kiểm soát quá trình. Tổ chức, cá nhân thụ hưởng được tăng quyền tự chủ, linh hoạt sử dụng kinh phí, áp dụng cơ chế khoán chi theo sản phẩm hoặc kết quả nghiên cứu.
Các giải pháp đồng hành như tập huấn kỹ năng xây dựng đề xuất, đơn giản hóa hồ sơ, sử dụng cổng thông tin thống nhất… cũng đang được triển khai nhằm tăng cơ hội tiếp cận cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà khoa học trẻ - những đối tượng vốn thường gặp khó khăn trong tiếp cận chính sách tài trợ truyền thống.