Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất để giảm thiểu rác thải nhựa
Ngày 12/9, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phối hợp với dự án 'Huế- Đô thị giảm nhựa ở khu vực miền Trung' tổ chức hội thảo giới thiệu công cụ mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) tại địa phương.
EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường; trong đó, nhà sản xuất, nhập khẩu được yêu cầu có trách nhiệm về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm hay hàng hóa đó, bao gồm từ khâu thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải; đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội.
Dịp này, các đại biểu trao đổi, chia sẻ việc thực hiện quy định về mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, nhập khẩu; giới thiệu về EPR theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; giải pháp trong phân loại, thu gom, xử lý chất thải thành nguyên, nhiên liệu thay thế, giúp giảm phát thải trong quá trình sản xuất…
Đại diện lãnh đạo Sở TNMT chia sẻ, thông qua hội thảo này mong muốn các đại biểu có cái nhìn tổng quan về EPR tại Việt Nam; hiểu rõ mối quan hệ giữa nhà sản xuất, tổ chức tái chế, người thu gom và người tiêu dùng. Khu vực thu gom phế liệu không chính thức tại Huế sẽ nắm được cách thức triển khai để có thể hưởng lợi từ các dòng tài chính của EPR và những người khác biết cách tăng cường nỗ lực tái chế, đảm bảo thực hiện thành công các chính sách EPR ở địa phương.