Mở rộng vụ án Hậu 'pháo': Bắt Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu 'pháo') để giúp thực hiện dự án chợ đầu mối Vĩnh Tường
Vụ án Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, về tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị can Phạm Hoàng Anh đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "pháo") đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Hậu thực hiện dự án Chợ Đầu mối Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị, địa phương liên quan.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Phúc Sơn tại các địa phương và các đơn vị có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Liên quan đến vụ án Hậu "pháo", ngày 8-3-2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc; ông Cao Khoa, cựu Chủ tịch UBND Quảng Ngãi; ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi, cùng về tội "Nhận hối lộ".
Đến nay, vụ án này đã có 17 bị can bị khởi tố, trong đó bị can Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 3 vừa qua, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết trong quá trình điều tra bước đầu xác định Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004, là công ty ở mức vừa phải, hoạt động ở cấp huyện về xây lắp. Tuy nhiên, từ 2015 đã phát triển mạnh mẽ, nhận nhiều công trình từ Bắc vào Nam. Đến nay, công ty này có 21 dự án với tổng mức đầu tư trên 40.000 tỉ đồng.
Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết bước đầu xem xét 2 dự án ở Vĩnh Phúc, Cơ quan điều tra nhận thấy công ty đã bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 640 tỉ đồng. Đáng chú ý, hiện công ty này còn nợ hàng chục ngàn tỉ đồng tiền thuế.
Cơ quan điều tra cũng phát hiện nhiều dự án bất động sản chưa đủ các điều kiện để bán, đi vào thị trường nhưng đã bán, thu tiền nhưng không giao đất cho các nhà đầu tư nên gây thiệt hại cho người dân hàng chục ngàn tỉ đồng, gây rất nhiều bất ổn cho nhà đầu tư, người dân.
Theo trung tướng Tô Ân Xô, mặc dù các công ty không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thuế nhưng vẫn được hoạt động hay không nắm được thực tế của doanh nghiệp khi nhận dự án. Đại diện Bộ Công an cũng cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước đã thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp này.
Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ Phúc Sơn là doanh nghiệp nhỏ cấp huyện nhưng trúng thầu nhiều dự án hàng ngàn tỉ đồng, trong khi đó "năng lực ở mức vừa phải". Cũng theo ông Tô Ân Xô, trong số các bị cáo, có Phó tổng giám đốc doanh nghiệp chỉ học lớp 4.