Mở tài khoản ngân hàng điện tử phải có căn cước công dân gắn chip

Kinhtedothị - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, tới đây NHNN sẽ sửa thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, bổ sung nhiều điểm mới.

Ví dụ như khách hàng chỉ được mở thẻ eKYC (mở tài khoản bằng định danh điện tử ) bằng căn cước công dân gắn chip chứ không chấp nhận bất cứ loại giấy tờ nào khác, nếu không khách hàng sẽ phải ra quầy làm thủ tục trực tiếp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Bộ Công an công bố là hầu hết công dân đủ điều kiện đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip nên không có lý do gì ngân hàng không bổ sung quy định này”- ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc NHNN, quy định này sẽ ngăn chặn tình trạng cho thuê, mượn tài khoản, loại bỏ tình trạng tài khoản không chính chủ, tài khoản được mở bằng giấy tờ giả đã xảy ra trên thực tế.

Bên cạnh đó, từ 1/7/2024, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 2345/QĐ-NHNN của NHNN có hiệu lực sẽ góp phần hạn chế và kiểm soát nhiều nguy cơ về mất an toàn, an ninh thanh toán.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2024, nếu khách hàng chuyển khoản trên 10 triệu đồng, ngân hàng phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch trùng khớp với khuôn mặt của chủ tài khoản đã được kiểm tra với cơ sở dữ liệu từ căn cước công dân gắn chip do Bộ Công an cấp.

Cơ quan quản lý cũng quy định với các giao dịch nhỏ thì tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng mới phải xác thực sinh trắc học. Sau khi xác thực rồi thì khách hàng lại được thanh toán tiếp 20 triệu đồng nữa. Do đó, việc áp dụng quy định này sẽ không ảnh hưởng gì tới trải nghiệm người dùng. Ngoài ra, theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, khi khách hàng cài đặt ứng dụng ngân hàng sang thiết bị khác cũng phải xác thực sinh trắc học.

Phó Thống đốc thông tin, ngoài khung khổ pháp lý chặt chẽ NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT giải quyết triệt để vấn nạn gửi tin nhắn giả mạo thương hiệu của ngân hàng để lừa đảo khách hàng, làm sạch dữ liệu của tất cả người đi vay… để phòng chống lừa đảo.

Cũng từ 1/7, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt có hiệu lực, những trường hợp chuyển nhầm sang tài khoản người khác có thể yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản bên nhận.

Cụ thể, nếu chuyển khoản nhầm cho người khác, khách hàng nên liên hệ ngay với ngân hàng giao dịch để xác minh việc giao dịch nhầm lẫn. Ngân hàng sẽ rà soát, kiểm tra giao dịch đã phát sinh trên. Nếu xác nhận được thông tin giao dịch là lỗi từ phía ngân hàng, do nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán thì ngân hàng sẽ tiến hành yêu cầu phong tỏa số tiền đã gửi vào tài khoản của người nhận.

Nếu xác nhận được thông tin giao dịch hoàn toàn trùng khớp với lệnh thanh toán của khách hàng thì ngân hàng không có quyền phong tỏa tiền chuyển nhầm hay hoàn trả lại. Ngoài ra, ngân hàng cũng không được cung cấp thông tin của bên nhận chuyển khoản nhầm cho khách hàng theo quy định.

Tuy nhiên, ngân hàng có thể sẽ hỗ trợ bằng cách liên hệ với người nhận để họ tự nguyện hoàn trả tiền. Sau một thời gian nếu ngân hàng không liên lạc được với người nhận, hoặc nhận thấy họ cố tình không hoàn trả, thì nên trình báo công an đề nghị hỗ trợ.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mo-tai-khoan-ngan-hang-dien-tu-phai-co-can-cuoc-cong-dan-gan-chip.html