Vì sao nhãn hiệu Pablo Escobar không thể được đăng ký nhãn hiệu châu Âu?

Ngày 17-4-2024, tòa án của Liên minh châu Âu ra quyết định rằng cái tên 'Pablo Escobar' không thể được dùng để đăng ký nhãn hiệu châu Âu, vì 'không phù hợp với trật tự xã hội và quy chuẩn đạo đức' (contrary to public policy and principles of morality).

Pablo Escobar là một cái tên… tai tiếng được biết đến trên toàn thế giới. Đây là tên của trùm buôn bán ma túy khét tiếng người Colombia, bị cảnh sát nước này bắn chết tại một khu dân cư ở thành phố Medellín vào ngày 2-12-1993. Tuy bị coi là đầu não đứng phía sau vô số tội ác gây ra ở Colombia, như buôn bán ma túy, giết người, đặt bom hay khủng bố, Pablo Escobar chưa bao giờ bị kết tội trước tòa. Theo ước tính, hàng ngàn người đã bỏ mạng sau các vụ bạo lực băng đảng ma túy ở Colombia, trước và thậm chí cả sau cái chết của ông trùm Pablo Escobar.

Năm 2021, Công ty Escobar Inc. nộp đơn đăng ký nhãn hiệu châu Âu tại Cục Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) cho hàng loạt hàng hóa và dịch vụ. Đây là công ty của gia đình Escobar, do ông Roberto de Jesús Escobar Gaviria, anh trai của Pablo Escobar thành lập và đặt trụ sở tại Puerto Rico. Cũng xin nói thêm là ông này từng bị ngồi tù 12 năm vì tham gia vào các hoạt động phạm pháp của em trai.

Công ty Escobar Inc. từng kinh doanh điện thoại thông minh mang tên Escobar Fold 1, và hiện nay đang bán tiền điện tử Escobar Cash. Pablo Escobar đã kiếm được một số tiền khổng lồ nhờ các hoạt động vi phạm pháp luật – theo ước tính của Forbes năm 1987 thì tài sản của ông ta lên tới 3 tỉ đô la Mỹ.

Không nằm ngoài dự đoán, đơn đăng ký nhãn hiệu PABLO ESCOBAR của Công ty Escobar Inc. đã bị EUIPO bác bỏ, trên cơ sở rằng dấu hiệu PABLO ESCOBAR đã vi phạm điều 7(1)(f) Luật Liên minh châu Âu số 2017/1001 về nhãn hiệu. Công ty Escobar Inc. phản đối bác bỏ này trước Tòa án châu Âu trên hai cơ sở chính.

Thứ nhất, theo công ty này, dấu hiệu PABLO ESCOBAR không hề đi ngược với trật tự xã hội và quy chuẩn đạo đức. Thứ hai, việc bác bỏ đơn đăng ký nhãn hiệu PABLO ESCOBAR là vi phạm quyền con người căn bản về giả định vô tội (presumption of innocence). Cũng theo công ty này, thì chỉ ở Tây Ban Nha, cái tên Pablo Escobar mới phổ biến, vì mối quan hệ lịch sử giữa quốc gia này với Colombia. Tuy nhiên, EUIPO cần đánh giá khái niệm “trật tự xã hội” và “quy chuẩn đạo đức” từ góc nhìn rộng hơn từ phía “người tiêu dùng liên quan” ở Tây Ban Nha.

Tòa án Liên minh châu Âu, trong quyết định ngày 17-4 nói trên, đã bác bỏ lập luận này, và đồng ý với cách tiếp cận của EUIPO, dựa trên đánh giá về “mức độ nhạy cảm” của người dân Tây Ban Nha để kết luận rằng những người tiêu dùng Tây Ban Nha liên quan là người có cái nhìn “hợp lý” và có mức độ nhạy cảm trung bình. Người tiêu dùng liên quan ở đây không chỉ là những người mua hàng hóa và dịch vụ liên quan, mà phải bao gồm cả những người có thể “vô tình” gặp phải nhãn hiệu PABLO ESCOBAR trong cuộc sống hàng ngày.

Từ cách tiếp cận này, Tòa án Liên minh châu Âu đồng tình với EUIPO rằng một phần đáng kể “người tiêu dùng Tây Ban Nha liên quan” sẽ gắn liền dấu hiệu PABLO ESCOBAR với các hoạt động buôn bán ma túy, khủng bố, giết người và vì thế sẽ coi cái tên PABLO ESCOBAR là đặc biệt gây sốc và gây khó chịu. Tòa án cũng nhấn mạnh rằng những tội ác nói trên là “không thể chấp nhận được trong xã hội hiện đại”, và đặc biệt “đi ngược lại với những nguyên tắc đạo đức được công nhận trong các nước thành viên EU”.

Trước đây, đã có một số cái tên khá “tai tiếng” như “Bonnie và Clyde” (hai nhân vật phản diện trong bộ phim cùng tên) hay “Al Capone” (một côn đồ nổi tiếng người Mỹ) đã được đăng ký nhãn hiệu thành công, mà không vấp phải quyết định bác bỏ đơn đăng ký như trong trường hợp cái tên Pablo Escobar này. Ngoài ra, những cái tên như “Yazuka” (mafia Nhật) hay “The Godfather” (Bố già) cũng đã được đăng ký nhãn hiệu, cho dù những dấu hiệu này cũng gợi lên hình ảnh tội phạm có tổ chức.

Thậm chí, Công ty Escobar Inc. còn đưa ra lập luận rằng, trong một bộ phận dân chúng người Colombia, Pablo Escobar gợi lên hình ảnh tích cực, được coi là “Robin Hood của Colombia”, vì bản thân tên trùm buôn bán ma túy này đã làm nhiều việc thiện nguyện giúp người nghèo ở Colombia.

Tuy nhiên, những lập luận nói trên không thuyết phục được Tòa án Liên minh châu Âu, tòa án cho rằng hoạt động tội phạm của Pablo Escobar tai tiếng hơn nhiều so với các hoạt động thiện nguyện, và tòa án cũng không thể bị ràng buộc bởi những quyết định trước đây, chấp thuận cho đăng ký các nhãn hiệu như Al Capone hay “Bonnie và Clyde”.

Cũng theo tòa án thì Pablo Escobar có quyền được hưởng giả định vô tội, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ông trùm ma túy này đã có một thỏa thuận với Chính phủ Colombia để được giam giữ trong chính nhà tù La Catedral của ông ta. Rõ ràng là người tiêu dùng liên quan nhìn nhận dấu hiệu PABLO ESCOBAR như một dấu hiệu về tội phạm có tổ chức, gây ra nhiều tội ác, và vì thế không thể được coi là dấu hiệu có thể đăng ký làm thương hiệu.

Cho dù không mấy thuyết phục nếu so với lịch sử những cái tên “tai tiếng” đã đăng ký thành công nhãn hiệu châu Âu, thì quyết định của Tòa án Liên minh châu Âu cũng không gây ngạc nhiên cho lắm. Ở mọi quốc gia trên thế giới, những dấu hiệu nhạy cảm, không phù hợp với đạo đức, với chuẩn mực xã hội đều khó có thể đăng ký làm nhãn hiệu. Ví dụ như ở Mỹ, vào năm 2017, Cục Bằng sáng chế và Nhãn hiệu đã từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu cho từ “The Slants” (từ chỉ người châu Á mang tính phân biệt chủng tộc).

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vi-sao-nhan-hieu-pablo-escobar-khong-the-duoc-dang-ky-nhan-hieu-chau-au/