Mổ tim sẽ không còn là nỗi ám ánh của bệnh nhân
Hiện nay phẫu thuật nội soi đang được áp dụng rộng rãi với các loại bệnh, nhưng với các bệnh lý về tim, phương pháp này còn khá mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là phương pháp không chỉ cứu sống bệnh nhân đạt tỷ lệ cao mà còn giúp cho họ phục hồi nhanh và không còn bị ám ảnh bởi cái chết.
Khi bệnh nhân không còn lo sợ
Thực tế hiện nay ở Việt Nam, nhiều người vẫn còn mơ hồ không biết các bệnh lý về tim có phẫu thuật nội soi được hay không. Trái tim gắn liền với sự sống của con người, tim ngừng đập cũng có nghĩa là sự sống kết thúc. Vì lẽ đó nhiều người thực sự cảm thấy lo lắng khi tim mình có vấn đề buộc phải mổ.
Bà Lê Thị Hồng (66 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) chia sẻ, cách đây hơn 1 năm, bà bỗng dưng cảm thấy khó thở, tức ngực, ho nhiều nên đến bệnh viện khám, các bác sĩ chẩn đoán van tim 3 lá của bà hở 3/4 rồi cho toa mua thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, uống thuốc một thời gian vẫn không khỏi, bà nhập viện để điều trị nhưng tình trạng khó thở ngày càng trầm trọng hơn, nhiều đêm bà không nằm được, phải ngồi thở dốc, các bác sĩ chỉ định phẫu thuật.
“Khi nghe đến 2 từ phẫu thuật, tui sợ lắm. Trái tim của con người là cái quý giá nhất, phẫu thuật lỡ có gì là chết luôn nên tui không dám. Thế nhưng các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM làm công tác tư tưởng tui rất hay, họ nói có phương pháp phẫu thuật nội soi rất tốt, không phải xâm lấn, mau lành và có thể hoạt động trở lại bình thương sau hơn 1 tuần phẫu thuật. Nghe các bác sĩ ở đây nói tự nhiên tui cảm thấy nhẹ nhàng, tự tin và đồng ý mổ ngay”, bà Hồng nói.
Bà Hồng kể tiếp: “Ngày 31.3.2016, tui phẫu thuật tim nội soi thì đến ngày 2.4 đã xuất viện. Từ ngày phẫu thuật đến nay đã được 1 tháng, tui cảm thấy sức khỏe của mình rất tốt, ăn uống và đi lại bình thường. Nói thật, nếu không thực hiện phẫu thuật nội soi mà phải phẫu thuật hở thì tui không dám mổ vì tui đã lớn tuổi, sức khỏe không còn đảm bảo nữa”.
TS.BS Nguyễn Hoàng Định, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch - Bệnh viện Đại học Y dược, cho biết lợi ích của phẫu thuật tim nội soi là giúp cho bệnh nhân tránh được đường mở xương ức, giữ xương ức lành lặn. Với mổ hở, bệnh nhân phải chẻ đường xương ức có thể gây một số biến chứng như nhiễm trùng xương ức, xương ức mất vững… Bên cạnh đó, phẫu thuật tim nội soi giúp cho bệnh nhân giảm thời gian thở máy, giảm thời gian điều trị hồi sức và tổng thời gian điều trị sau mổ, giảm truyền máu và giảm các chế phẩm máu… giúp điều trị bệnh nhẹ nhàng hơn.
“Với trường hợp mổ tim hở, bệnh nhân phải mất 3 tháng mới có thể hoạt động, 6 tháng mới bắt đầu có thể chạy xe máy bình thường, nhưng với những bệnh nhân mổ tim nội soi chỉ cần 1 tuần là có thể hoạt động trở lại bình thường và 1 tháng là đã có thể hồi phục gần như hoàn toàn”, bác sĩ Định nói.
Số lượng bệnh nhân vẫn còn hạn chế
Theo bác sĩ Định, mổ tim nội soi rất có lợi cho những trường hợp mổ lại. Chẳng hạn những bệnh nhân đã được thay van 2 lá nhân tạo trước đây, sau thời gian 15 năm đến 20 năm van bị hư cần phải thay van mới. Nếu mổ hở thì lần mổ sau sẽ rất nguy hiểm vì các mô bên dưới dính chặt sau cuộc mổ đầu tiên nhưng với mổ nội soi, bác sĩ có thêm đường khác để tiếp cận tim ngoài đường mổ dọc xương ức. Đó là chưa kể mổ nội soi, bệnh nhân chỉ chịu một vết sẹo nhỏ, người bệnh có thể giấu được vết seo nên tự tin trong mọi hoạt động.
“Chúng tôi hy vọng trong thời gian không xa, mọi người sẽ biết đến sự tồn tại của mổ tim nội soi và những lợi ích mà mổ tim nội soi mang lại”, bác sĩ Định chia sẻ.
Tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam chỉ có một vài cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật tim nội soi. Ở các tỉnh phía Nam chỉ có duy nhất Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM; còn ở các tỉnh khu vực phía Bắc chỉ có khoảng 2 cơ sở y tế thực hiện được việc này.
Theo PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, từ giữa năm 2014 đến nay, bệnh viện chỉ thực hiện khoảng 100 ca phẫu thuật tim nội soi nhưng tất cả các bệnh nhân sau mổ đều khỏe mạnh và không để lại bất kỳ biến chứng nào.
“Các bệnh lý tim mạch được các bác sĩ trên thế giới chỉ định phẫu thuật nội soi chúng tôi đều thực hiện được hết nhưng con số thực tế vẫn còn khiêm tốn. Số bệnh nhân mắc bệnh tim cần phẫu thuật tại bệnh viện chỉ có khoảng 30 - 40% được chỉ định phẫu thuật nội soi. Do hiện nay phẫu thuật tim nội soi chỉ mới được chỉ định ở các bệnh lý như thông liên nhỉ, thông liên thất, u tim, hở 1 van… chứ chưa thực hiện trên các bệnh tim bẩm sinh nặng", bác sĩ Bình cho biết.
"Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới với sự phát triển của ngành phẫu thuật tim mạch, nhiều bệnh lý về tim khác được chỉ định phẫu thuật nội soi sẽ giúp bệnh nhân không còn lo sợ khi mổ tim nữa. Đứng trước quyết định đồng ý phẫu thuật tim sẽ không còn là những đắn đo về sự đánh cược sinh mạng, về những biến chứng nặng nề, về thời gian bình phục lâu, về trải nghiệm của sự đau đớn hay cả những mặc cảm khi trở lại cộng đồng”, bác sĩ Bình chia sẻ.