Mộ vua ở Thanh Hóa bị đào một hố sâu, phá vỡ bia đá có chữ Hán
Sở VH-TTDL Thanh Hóa vừa có văn bản báo cáo về việc khu lăng mộ vua Lê Túc Tông bị đào bới một hố sâu, phá vỡ bia đá có chữ Hán.
XEM CLIP:
Theo văn bản của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lăng mộ vua Lê Túc Tông nằm cách khu trung tâm Ban Quản lý di tích Lam Kinh khoảng 4km về phía Đông Bắc, thuộc địa bàn thôn 1 Nông trường sông Âm, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Toàn cảnh khu lăng mộ vua Lê Túc Tông. Ảnh: Lê Dương
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa vào lúc về việc phát hiện dấu hiệu xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh vào 21h30 ngày 3/5, Sở đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng của UBND các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Công an tỉnh Thanh Hóa kiểm tra hiện trường, thu giữ dụng cụ, xác minh cứ liệu liên quan.
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa, kết quả kiểm tra, làm việc bước đầu của các cơ quan chức năng cho thấy, lăng vua Lê Túc Tông đã bị nhóm đối tượng người Trung Quốc đào bới, hố đào có kích thước 90x52cm; sâu khoảng 1,6m và phá vỡ bia đá.

Hố sâu các đối tượng đào trên lăng mộ để tìm cổ vật. Ảnh: CACC
Thu được tại hiện trường 14 mảnh bia đá có chữ Hán và trang trí rồng thời Lê (qua xác minh là bia mộ) với một số chữ Hán trên các mảnh vỡ: "Đại Việt Túc Tông Nhượng…" khắc theo hàng dọc, cỡ chữ lớn khắc vạch, kiểu chữ Khải có nội dung ghi miếu hiệu của vua Lê Túc Tông và 15 mảnh gạch màu xám đen.
Các hiện vật được Công an tỉnh Thanh Hóa đóng thùng sắt niêm phong và lưu giữ tại kho hiện vật của Khu di tích lịch sử Lam Kinh để phục vụ công tác điều tra.

Dụng cụ các đối tượng dùng để đào, tìm cổ vật. Ảnh: CACC
Hiện tại, các đối tượng đào trộm, xâm hại mộ đang bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ, điều tra, làm rõ vụ việc theo quy định của pháp luật.
Sở VH-TTDL tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi các đơn vị liên quan và địa phương trong tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo đảm an toàn, an ninh cho di tích. Ngăn chặn, xử lý các hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán, trao đổi trái phép di vật, cổ vật.