Mổ xẻ nợ xấu siêu khủng của ngân hàng Sacombank
Tổng hợp số liệu từ các báo cáo tài chính cho thấy, ngân hàng Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất trong số các ngân hàng lớn hiện nay.
Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các ngân hàng công bố, ba ngân hàng thương mại cổ phần là ACB, MBBank và Vietinbank là những nhà băng tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong năm vừa qua.
Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín –Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất, lên đến 5,35%. Tỷ lệ tăng đột biến là do ảnh hưởng của việc sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) hồi tháng 10/2015 mang theo một gánh nặng về nợ xấu của ngân hàng này.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017, tính đến hết ngày 31/03/2017, nợ xấu nội bảng của ngân hàng Sacombank ở mức 10.183 tỷ đồng, chiếm 4,88% dư nợ tín dụng, giảm khá mạnh so với mức 5,35% hồi đầu năm.
Về nợ xấu ngoại bảng, Sacombank chính thức ghi nhận 37.760 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC, trong đó đã dự phòng 1.624 tỷ đồng. Như vậy, nợ xấu ngoại bảng của Sacombank được ghi nhận là 36.136 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/3/2017.
Tựu chung, tổng nợ xấu (cả nội bảng và ngoại bảng) mà Sacombank ghi nhận trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 là 46.219 tỷ đồng, chiếm tới 19% tổng dư nợ (gồm dư nợ tín dụng và trái phiếu VAMC).
Ngoài ra, Sacombank đang ghi nhận tới 16.039 tỷ đồng các khoản phải thu và 26.009 tỷ đồng lãi dự thu, tiềm ẩn trong đó là lượng nợ xấu không nhỏ.
Trước đó, theo Báo cáo kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu thực tế của Southern Bank tính đến hết tháng 11/2013 lên đến 55,31%.
Thông tin trên Vietnamfinance.vn cho thấy, ngay sau khi sáp nhập Southern Bank, Sacombank đã phải ghi nhận khoản lỗ trước thuế khổng lồ lên đến 671 tỷ đồng trong quý IV/2015, trong khi 3 quý trước đó, Sacombank lãi trước thuế tới 2.140 tỷ đồng. Khoản lỗ này phát sinh chủ yếu là do ngân hàng này phải trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.128 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần quý IV/2015 chỉ là 457 tỷ đồng.
Nợ xấu từ Southern Bank không chỉ làm giảm hiệu quả kinh doanh tín dụng, qua đó làm giảm lợi nhuận của Sacombank, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến lợi nhuận của Sacombank thông qua việc ngân hàng này phải tăng trích lập dự phòng. Dễ thấy nhất là quý IV/2015, ngân hàng này đã phải chịu lỗ nặng ngay sau khi sáp nhập Southern Bank cũng bởi trích lập dự phòng tăng đột biến.
9 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của Sacombank ở mức 55%, cao hơn nhiều con số 32% cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tính riêng trong quý III/2016, Sacombank được hoàn nhập dự phòng rủi ro 54 tỷ đồng, nhưng tín hiệu tích cực nho nhỏ đó không không thấm vào đâu so với nỗi lo lắng về nợ xấu thực tế của ngân hàng này.
Tính đến hết ngày 30/09/2016, nợ xấu trên sổ sách của Sacombank đang ở mức 4.620 tỷ đồng, chiếm 2,37% tổng dư nợ tín dụng. Nếu so với mặt bằng chung ngành ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã được liệt kê vào mức cao. Nhưng nợ xấu cho dừng ở đó.
Theo ước tính của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) trong một báo cáo cập nhật về tình hình hoạt động của Sacombank, nợ xấu trên sổ sách của Sacombank chỉ chiếm khoảng 39% tổng nợ xấu thực tế trên sổ sách đáng ra phải ghi nhận sau khi sáp nhập Southern Bank tại thời điểm kết thúc quý II/2016, tương đương số nợ xấu chưa báo cáo là khoảng 8.810 tỷ đồng.