Mổ xẻ thẩm quyền giám định của VKSND Tối cao

Dù là lần thảo luận lần cuối tại nghị trường trước khi Quốc hội thông qua nhưng các đại biểu vẫn tranh luận nhiều về thẩm quyền giám định của VKSND Tối cao.

Chiều 21-5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Trình bày báo cáo giải trình dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao” với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12 dự luật) có hai luồng ý kiến khác nhau.

Thường vụ Quốc hội tán thành

Theo đó, có ý kiến tán thành việc giám định âm thanh, hình ảnh do một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an đảm nhiệm đang quá tải. Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2 đến 3 tháng… Trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Ý kiến phản đối cho rằng không nên bổ sung quy định này vì VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa thực hiện giám định sẽ khó khách quan… Do đó, để giải quyết khó khăn hiện nay, cần tập trung đầu tư về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện có của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Đồng thời, không nên thành lập mới tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự tại VKSND Tối cao.

Theo bà Nga, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng. “Việc này đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay” - bà Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: quochoi.vn

VKS cần công cụ để chống oan, sai

Nêu ý kiến phản đối thành lập cơ quan trên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nói: “VKS vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nếu làm thêm công tác giám định nữa thì không khách quan. Thứ hai là điều này không phù hợp với quan điểm tinh giản bộ máy, phát sinh biên chế”.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đặt vấn đề: Nếu lấy lý do là quá tải tại các tổ chức giám định của Bộ Công an thì sao không thành lập phòng giám định ở cơ quan công an cấp tỉnh. “Kế đến, nếu lấy việc thời gian giám định âm thanh, hình ảnh quá dài để lập thêm cơ quan này là không thỏa đáng…” - ĐB Hồng nói.

Ngược lại, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề: “Nếu có trường hợp bị can tố cáo giám định của công an không khách quan thì không thể giao công an giám định lại, lặp lại quy trình khép kín đó. Do đó, cần có phòng giám định này để thực hiện chức năng của viện” - bà nói.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cũng nêu quan điểm ủng hộ: Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND Tối cao không phải là do quá tải mà để đáp ứng yêu cầu tránh oan, sai ngày càng cao trong hoạt động điều tra, xét xử hiện nay.

Tranh luận lại với quan điểm của ĐB Bộ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, tỏ rõ quan điểm không ủng hộ lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao.

Ông nói: Nếu lấy lý do chống oan, sai để thành lập một cơ quan này cho độc lập với cơ quan của công an, quân đội là không thuyết phục. “Từ trước nay, VKSND Tối cao đã có bao nhiêu yêu cầu về giám định mà các cơ quan giám định không thực hiện yêu cầu của viện. Cái này không có” - ông Cầu nói.

Ông dẫn số liệu: Báo cáo của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy trong tám năm (từ năm 2012 đến nay), chỉ có 60 vụ việc giám định về âm thanh, hình ảnh, tức trung bình một năm chỉ có tám việc. “Quan điểm của tôi là thống nhất thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng về tinh gọn bộ máy, tổ chức, không thành lập cơ quan mới nếu không thực sự xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn” - ông nhấn mạnh.

Không để công việc giám định cho Bộ Công an làm mà để cho VKSND Tối cao là có lý do của nó. Quốc hội đã từng tranh luận về vấn đề này khi thảo luận về BLTTHS. VKSND Tối cao cần có phòng giám định tư pháp. Đây không phải tăng chức năng mà là để thực hiện chức năng của VKS đã được luật định.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA(TP.HCM)

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/mo-xe-tham-quyen-giam-dinh-cua-vksnd-toi-cao-914114.html