Mobile Money có cơ hội phát triển?

Mobile Money là tài khoản thanh toán qua mạng di động. Khi ý tưởng phát triển Mobile Money được đưa ra, nhiều người đã dự báo một tương lai 'bùng nổ' của loại hình chi tiêu này.

Thế nhưng trên thực tế, với sự phát triển đa dạng của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay, Mobile Money có vẻ đang bị lép vế.

Người dân sử dụng ứng dụng Mobile Money để thanh toán trực tuyến. Ảnh: Thu Phương

Người dân sử dụng ứng dụng Mobile Money để thanh toán trực tuyến. Ảnh: Thu Phương

Lép vế ở thành phố

Mobile Money là một phương thức thanh toán trên thiết bị di động, chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực bán lẻ. Dịch vụ này ra đời giải quyết vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt cho những người không có tài khoản ngân hàng, những người ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận các dịch vụ tài chính... Tất cả những gì người dùng cần để sử dụng dịch vụ là chiếc điện thoại và số điện thoại di động để lập tài khoản. Dịch vụ này cũng nhằm tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông để mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động. Hiện, mô hình Mobile Money được gia hạn thời gian thí điểm đến hết năm 2024.

Theo số liệu thống kê, với mạng Viettel, khoảng 4 triệu thuê bao đăng ký dùng Mobile Money, trong đó 74% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với mạng VNPT/Vinaphone, gần 2 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ Mobile Money… Người dùng Mobile Money có thể giao dịch, chuyển tiền trực tiếp tới hơn 100 triệu tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng và ngược lại.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khiến Mobile Money có nguy cơ “chìm nghỉm”. Tại các tỉnh, thành phố lớn, đa phần người dân đều có tài khoản ngân hàng, dùng smartbanking nên lượng phủ sóng của Mobile Money ít phổ biến.

So sánh giữa sử dụng dịch vụ Mobile Money và các dịch vụ ngân hàng khác, anh Nguyễn Cường (phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ) cho rằng, sử dụng Mobile Money phức tạp hơn so với các ứng dụng thanh toán phổ biến. Các nhà mạng phân biệt tiền trong tài khoản điện thoại di động và tài khoản Mobile Money. Việc khách hàng nạp/rút tiền mặt vào tài khoản Mobile Money tại các điểm kinh doanh của nhà mạng, tại ngân hàng, qua ví điện tử của khách hàng… còn nhiều bất tiện. Người dùng phải mất nhiều thao tác để chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản. Hơn nữa, các nhà mạng chỉ cho khách hàng nạp tiền tại đại lý hoặc qua tài khoản ngân hàng, mà không cho khách hàng tự nạp tiền thông qua thẻ nạp tiền điện thoại mà mình đã phát hành. Những yếu tố trên khiến ứng dụng Mobile Money kém cạnh tranh với các ứng dụng thanh toán khác.

Chị Ngọc Minh (Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai) cũng nhận xét, việc chuyển tiền giữa các thuê bao di động được thực hiện miễn phí, nhưng chỉ hỗ trợ các thuê bao trong cùng nhà mạng. Còn trong trường hợp muốn nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng, thuê bao có thể bị tính phí. Ngoài ra, các thuê bao Mobile Money tại Việt Nam hiện nay bị giới hạn tổng khối lượng giao dịch 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách chuyển tiền miễn phí, nên giao dịch Mobile Money có những hạn chế so với các dịch vụ ngân hàng số.

Thích ứng để tăng tính cạnh tranh

Các chuyên gia nhận định, Mobile Money khó cạnh tranh với các dịch vụ ngân hàng số đang phát triển như vũ bão, nhất là trong và sau thời kỳ dịch Covid-19. Hiện nay, ngân hàng số còn tích hợp cả hệ sinh thái số, bao gồm hàng trăm sản phẩm, dịch vụ liên kết với đối tác thứ ba, đem lại lợi ích tối đa cho người dùng. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Thanh toán không dùng tiền mặt và ngân hàng số trong những tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục tăng trưởng khá: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 51,6% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức mã QR tăng 846,41% và 1.146,14%...

Tính đến nay, có 48 tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 14 tổ chức tín dụng đang thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: Mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng…

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, con số người dùng Mobile Money là đáng ghi nhận, nhưng so với số lượng thuê bao điện thoại thì rất nhỏ bé. Bản chất của Mobile Money và tài khoản thanh toán tại ngân hàng là như nhau, do đó, các nhà mạng cho phép người sử dụng Mobile Money được sử dụng tài khoản Mobile Money ở nhiều điểm chấp nhận thanh toán, trên cơ sở đó người dùng mới có thể thanh toán mọi loại hàng hóa, dịch vụ như tài khoản ngân hàng.

Rõ ràng, những điểm hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của Mobile Money đã được nhận diện. Quan trọng nhất là các nhà mạng sớm đưa ra những giải pháp linh hoạt để gia tăng tính cạnh tranh cho hình thức thanh toán này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mobile-money-co-co-hoi-phat-trien-665418.html