Mộc Châu mùa ong làm mật

Quê ở xã Hòa Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa nhưng ông Lê Hùng Sơn đã gắn bó với vùng đất Mộc Châu, tỉnh Sơn La suốt 20 năm bằng nghề nuôi ong mật, di chuyển đến nhiều nơi theo các mùa hoa, với bầy ong làm 'bạn' để mang đến cho đời những sản phẩm mật ngọt.

Kiểm tra cầu nuôi ong mật tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Kiểm tra cầu nuôi ong mật tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.

Trong câu chuyện ông Sơn kể về quá trình làm nghề nuôi ong, những ngày ở nhà đếm trên đầu ngón tay. Hành trình theo đàn ong bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4, khi hoa mơ, mận, nhãn, xoài, bơ nở, ông Sơn lại chở đàn ong đến xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu để lấy mật; từ cuối tháng 4 đến tháng 7, đưa đàn ong về tỉnh Nghệ An lấy mật keo; đầu 7 đến tháng 11, lại mang ong về huyện Mộc Châu lấy mật hoa xuyến chi, hoa cỏ Lào và từ cuối tháng 11 đến tháng 12 lại mang ong đi Tây Nguyên lấy mật cao su... Công việc cứ thế cuốn hút ông miệt mài, rong ruổi cùng đàn ong với bao khó nhọc và niềm vui đan xem.

Với thâm niên nuôi ong, ông Sơn bảo ở Mộc Châu đất đai mầu mỡ, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch cao nên mật ong rất thơm, ngon và có chất lượng rất tốt, vì vậy được người tiêu dùng ưa chuộng, do đó mà ông luôn chọn thời gian lấy mật hoa ở Sơn La nhiều hơn với khoảng 9 tháng trong năm. Ông Sơn tiết lộ, với 200 thùng ong, năm thuận sẽ cho thu khoảng 4-5 tấn mật và vài chục kg phấn hoa cộng với một lượng sữa ong chúa, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Là một trong những hộ nuôi ong nhiều nhất ở huyện Mộc Châu, gia đình ông Nguyễn Đăng Thơ, tiểu khu Bệnh viện 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu nuôi hơn 850 thùng ong cũng không mấy khi ở nhà mà thường xuyên di chuyển đến những nơi có hoa rừng. Chỉ mùa hoa ban, mận, mơ, nhãn, xoài, bơ ông Thơ mới đưa ong về nhà. Ông Thơ bảo, bản chất con ong địa phương là ong rừng được thuần hóa nên vào rừng ong phát huy được lợi thế, rất chịu khó kiếm ăn, cho mật nhiều, sinh sôi nhanh.

Nuôi ong lâu năm, giờ ông Sơn, ông Thơ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm về đặc tính sinh trưởng, phát triển của ong và cách phòng trị một số bệnh ong thường gặp như thối ấu trùng, chí cắn ong, ong đất phá tổ, ong xây tổ chúa tách đàn bay đi...

Huyện Mộc Châu hiện có 86 hộ nuôi 18.390 đàn ong, hầu hết là ong ngoại. Tổng giá trị đàn ong nuôi 45 tỷ đồng. Sản lượng mật ong thu hoạch trong năm đạt 1.010 tấn; trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 160 tấn (chiếm khoảng 15%); sản lượng mật ong xuất khẩu gián tiếp thông qua ký kết hợp đồng bán cho các công ty, đơn vị đại lý các tỉnh miền xuôi và thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu khoảng 850 tấn (chiếm khoảng 85%). Doanh thu từ mật ong, phấn ong và sáp ong... 58 tỷ đồng; bình quân một đàn ong thu từ 3-3,2 triệu đồng/năm, trừ các chi phí, người nuôi ong có thu nhập bình quân đạt khoảng 1-1,2 triệu đồng/đàn/năm.

Ông Phùng Tiến Sơn, Chủ tịch Hội ngành nghề Nông nghiệp nông thôn huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện Mộc Châu hiện có 73 hội viên nuôi ong mật. Các hộ nuôi ong chủ yếu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong Sơn La” và “Mật ong Anh Thơ” để tiêu thụ. Sản phẩm mật ong, phấn ong tiêu thụ được các hộ đóng gói với hình thức bao bì đẹp mắt, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc đúng quy định; giá mật ong có tem nhãn được người dùng ưa chuộng và cao hơn khoảng 10-15% so với mật ong cùng loại không có tem nhãn.

Với hơn 10.000 ha cây ăn quả và nhiều loại hoa rừng, cứ vào mùa hoa nhãn, xoài, bơ về, những người nuôi ong ở Mộc Châu lại bắt đầu chăm sóc bầy ong lấy mật mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, giúp thụ phấn hoa, tăng tỷ lệ đậu quả cho cây. Mật ong Mộc Châu nói riêng và mật ong Sơn La nói chung dần khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.

Đình Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/moc-chau-mua-ong-lam-mat-49241