Mộc mạc món bánh đúc
Bánh đúc là món ăn bình dị gắn liền với người dân Việt Nam. Với hương vị thanh đạm, dân dã, bánh đúc là sự lựa chọn của nhiều người giữa hàng trăm món ăn hấp dẫn.
Chế biến món bánh đúc không khó nhưng để làm ra món bánh đúc lại có phần kỳ công. Quyết định đến phần lớn sự thành công của món bánh đúc đó là chọn được gạo tẻ ngon. Gạo sau khi vo, đãi sạch, không xay làm bột mà phải ngâm trong nước trên 5 giờ rồi mới xay. Bột gạo tẻ sau đó được ngâm tiếp cùng nước vôi trong và hòa thêm chút muối, khuấy cho đều tay để hỗn hợp cùng muối tan đều.
Sau khoảng 2 giờ, cho hỗn hợp vào nồi đun, dưới nồi nên tráng một lớp mỡ để bột không dính đáy, vừa đun vừa dùng đũa khuấy đều sao cho lớp bột không cháy, không khê, không sát nồi. Khuấy đến khi bột trong nồi đặc sệt lại, trở nên trong mượt, hớt thử lớp bột lên mà không dính đũa thì tắt bếp.
Còn một nguyên liệu khác không thể thiếu trong món bánh đúc là lạc. Lạc được ngâm trong nước sạch khoảng 3 giờ cho nở, rồi đem luộc, khi chín vớt ra để ráo nước. Khi bột bánh vẫn còn trên bếp, cho lạc đã luộc chín vào cùng, đun thêm khoảng từ 5 - 7 phút. Sau đó vớt bột ra từng bát, tạo thành từng chiếc bánh đúc hình tròn bắt mắt, khi ăn cắt thành từng miếng vừa phải chấm với nước tương.
Do nhu cầu của khách hàng muốn ăn vào mùa đông, cũng có chút biến tấu của món bánh đúc. Bột bánh cứ để trên bếp đun nóng, khi ăn sẽ múc ra bát, ăn cùng với thịt băm xào mộc nhĩ và canh xương hầm, rau thơm. Thịt lợn, mộc nhĩ được băm nhuyễn sau đó xào lên cùng nhau trên chảo, cho các gia vị mắm, muối, hạt tiêu để tăng thêm độ hấp dẫn. Xào cho đến khi thịt săn lại, chuyển vàng và dậy mùi là hoàn thành. Canh xương được hầm trong nhiều giờ, cho ra một lớp nước màu vàng óng.
Khi ăn bánh đúc lạc hay bánh đúc nóng, bạn đều cảm nhận được sự đậm đà của các gia vị ăn kèm cùng sự mượt mà, mềm dẻo của lớp bột gạo được khuấy khéo léo, tỉ mỉ. Tất cả kết hợp làm nên sự hài hòa, đặc sắc của món bánh đúc.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/moc-mac-mon-banh-duc-3169907.html