Moderna sẽ sản xuất 3 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19 trong năm 2022

Vắcxin ngừa COVID-19 của tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna - Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 29/4 cho biết hãng này dự kiến sẽ tăng sản lượng vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu lên 3 tỉ liều trong năm 2022.

Trong một tuyên bố, Moderna cho biết hãng sẽ thực hiện các cam kết ngân sách mới để tăng nguồn cung tại các cở sở sản xuất của mình. Theo Moderna, vắcxin ngừa COVID-19 do hãng bào chế có hiệu quả 90% trong phòng ngừa mọi thể của bệnh COVID-19 và có hiệu quả 95% trong ngăn ngừa bệnh diễn tiến xấu.

Đây là kết quả đạt được trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ với sự tham gia của hơn 30.000 người. Kết quả này dựa trên đánh giá 900 ca mắc COVID-19 trong nghiên cứu, trong khi kết quả cũ chỉ dựa trên 185 ca mắc COVID-19.

Cùng ngày 28/4, Anh thông báo đã đặt mua thêm 60 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech để phục vụ chương trình tiêm vắcxin tăng cường nhằm bảo vệ những người dễ bị lây nhiễm nhất trong mùa đông tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết trước mối đe dọa của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, chính phủ đề ra chương trình tiêm vắcxin tăng cường cho tới cuối năm nay.

Ông Hancock nêu rõ chính phủ hiện đã đảm bảo có thêm 60 triệu liều vắcxin của hãng Pfizer/BioNTech được sử dụng cùng với vắcxin của các hãng khác trong chương trình này. Anh là nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 ở châu Âu, với hơn 127.000 ca tử vong mặc dù nước này đã triển khai chương trình tiêm chủng đại trà vào đầu tháng 12/2020 sử dụng vắcxin AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna.

Theo số liệu chính thức, gần 34 triệu người ở Anh đã được tiêm mũi vắcxin đầu tiên và 1/4 số người trưởng thành (hay 13,5%) đã được tiêm mũi thứ hai.

Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đã ký một thỏa thuận mua 50 triệu liều vắcxin Sputnik V của Nga. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết đợt vắcxin Sputnik V đầu tiên sẽ tới nước này vào tháng 5 tới trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng đẩy nhanh chương trình tiêm chủng.

Kể từ khi triển khai chương trình tiêm chủng vào giữa tháng 1 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm 1 mũi vắcxin ngừa COVID-19 cho hơn 13,5 triệu người và tiêm đủ 2 mũi cho gần 9 triệu người. Ông Koca cho biết nước này cũng kéo dài thời gian giãn cách 2 mũi tiêm từ 4 tuần hiện nay lên 6-8 tuần.

Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đảm bảo có được 4,5 triệu liều vắcxin Pfizer/BioNTech và chưa nhận được 100 triệu liều vắcxin CoronaVac của Trung Quốc theo như kế hoạch.

Trong diễn biến khác, các nhà nghiên cứu của Đại học Osaka và Đại học Hokkaido (Nhật Bản) vừa phát triển thành công phương pháp mới có khả năng phân tích các đột biến gen của virus SARS-CoV-2 nhanh hơn nhiều so với các phương pháp thông thường.

Bằng cách sử dụng phản ứng chuỗi polymerase (PCR) - một kỹ thuật khuếch đại các đoạn ADN nhỏ, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển thành công một phương pháp đơn giản và hiệu quả để tạo ra các bản sao chính xác cấu trúc ADN của virus SARS-CoV-2 để phân tích.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết để hiểu được chức năng của từng đột biến gen trong các biến thể SARS-CoV-2, điều cần thiết là phải tạo ra virus tái tổ hợp ứng với mỗi đột biến, sau đó kiểm tra các đặc điểm sinh học của nó thông qua việc so sánh với virus bố mẹ.

Do virus SARS-CoV-2 có bộ gen lớn nên việc sử dụng các phương pháp thông thường để nghiên cứu đột biến rất phức tạp và tốn thời gian, thường mất vài tháng.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Nhật Bản, phương pháp mới giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu xuống còn 2 tuần. Ông Shiho Torii, tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết hệ thống phân tích dựa trên PCR cho phép các nhà nghiên cứu nhanh chóng kiểm tra các đặc điểm sinh học của virus tái tổ hợp có đột biến gen, được tạo ra thông qua phương pháp sử dụng phản ứng mở rộng polymerase tuần hoàn (CPER) so với virus gốc.

Ông Torii nhấn mạnh: "Phương pháp mới cho phép chúng tôi nhanh chóng kiểm tra các đặc điểm sinh học của các đột biến trong virus SARS-CoV-2”. Nhóm nghiên cứu đặt nhiều kỳ vọng vào CPER vì nó có thể tạo ra một loại virus tái tổ hợp không có khả năng gây bệnh, qua đó có thể góp phần bào chế một loại vắcxin an toàn và hiệu quả cũng như các loại thuốc kháng virus để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255084/moderna-se-san-xuat-3-ti-lieu-vacxin-ngua-covid-19-trong-nam-2022.html