Mới 2 tuổi đã bị cắt 27cm đại tràng: Chuyên gia cảnh báo dấu hiệu trẻ táo bón cần can thiệp sớm

Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ chậm phân su 24h sau sinh, bụng chướng; táo bón kéo dài, kém ăn, gầy sút... cần phải được khám sớm.

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã điều trị cho một bệnh nhi (2 tuổi, Hà Nội) bị phình đại tràng do táo bón lâu ngày dẫn đến phải cắt 27 cm đại tràng giãn, trong đó có 7 cm đại tràng bị vô hạch thần kinh.

Điều tra bệnh sử, gia đình cho biết ngay từ sơ sinh, bé đã có tiền sử chậm phân su và được chẩn đoán tắc ruột. Sau đó bé thường xuyên bị táo bón, mỗi lần đi vệ sinh thường phải ngồi rặn rất lâu, thậm chí phải thụt phân.

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cho bệnh nhi

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cho bệnh nhi

Mặc dù biết con bị táo bón bất thường nhưng gia đình không cho bé đi khám vì hy vọng lớn lên sẽ tự khỏi. Tuy nhiên tình trạng này không thuyên giảm mà trẻ còn liên tục đau bụng, chán ăn, mệt mỏi. Lúc này, gia đình mới đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị phình đại tràng và chỉ định phẫu thuật cắt 27 cm đại tràng giãn, trong đó có 7 cm đại tràng bị vô hạch thần kinh.

Hiện tại, 6 tuần sau phẫu thuật và nong hậu môn, trẻ đã tự đi ngoài dễ dàng, ngày 1 lần, phân khuôn, mềm. Cháu bé tăng 2kg và chất lượng cuộc sống được cải thiện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dấu hiệu trẻ cần đi khám sớm

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi trẻ có biểu hiện sau: Chậm phân su 24g sau sinh, bụng chướng; táo bón kéo dài trên một tuần trong khi thay đổi chế độ ăn không có tác dụng; táo bón ảnh hưởng đến tiêu hóa: kém ăn, gầy sút, suy dinh dưỡng kèm theo nôn.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên lưu ý đưa trẻ đi khám khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: đau bụng, chướng bụng, đau nhiều vùng hậu môn khi đi ngoài, trĩ, nứt hậu môn; kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, biếng ăn, sốt, nôn, đi ngoài ra máu…

Cách chăm sóc cho trẻ bị táo bón

- Luôn theo dõi việc đi vệ sinh của trẻ hàng ngày

Đối với trẻ lớn, cần động viên khuyến khích trẻ không được nhịn đi ngoài. Thực hiện cho trẻ chế độ giàu rau xanh, khuyến khích trẻ uống nhiều nước. Tích cực cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, tránh để trẻ ngồi quá lâu.

- Khi trẻ bị táo bón, các bậc phụ huynh có thẻ tham khảo một số động tác như xoa bụng trẻ từ phải sang trái theo chiều kim đồng hồ, mỗi ngày xoa từ 3 đến 4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn. Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh theo giờ quy định, thông thường nên chọn vào sau bữa ăn.

- Ngoài cách mát-xa cho bé bị táo bón này, bạn có thể đặt con nằm ngửa, nắm 2 chân bé và tạo thành động tác đạp xe. Cách làm này cũng giúp bé đi tiêu tốt.

- Trong trường hợp trẻ bị nứt kẽ hậu môn cần rửa sạch hậu môn và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu có.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/moi-2-tuoi-da-bi-cat-27cm-dai-trang-chuyen-gia-canh-bao-dau-hieu-tre-tao-bon-can-can-thiep-som-20210420103156486.htm