Rắn cạp nia cắn người ở Đắk Lắk nguy hiểm thế nào
Việt Nam có 60 loài rắn độc. Cạp nia là một trong số loài độc nhất.
Mới đây, một lãnh đạo UBND thị trấn Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, cho biết một người đàn ông 37 tuổi, trú tại địa phương, đã không qua khỏi do bị rắn cạp nia cắn vào cổ chân.
Ngay sau khi bị cắn, người thân đã đưa bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Krông Năng cấp cứu. Nạn nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy rồi chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Nhưng sau gần nửa tháng điều trị, người đàn ông không qua khỏi.
Loài rắn gây độc cho nạn nhân là cạp nia, thuộc họ rắn hổ, một trong những loài rắn độc nhất ở Việt Nam.
Một trong những loài rắn độc nhất
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Năng, cạp nia thuộc họ rắn hổ, da màu đen xanh, có những khoang trắng đen rõ nét nối tiếp nhau, sống hoang dại.
Nọc độc của rắn cạp nia có thể gây nhiễm độc thần kinh với các biểu hiện sụp mi mắt, nói đớ, nuốt nước miếng không được, khó thở và diễn tiến ngưng thở nếu không cấp cứu kịp thời.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam có 60 loài rắn độc. Tuy nhiên, cạp nia là một trong số loài độc nhất. Có hai loại cạp nia được ghi nhận là nia miền Bắc và nia miền Nam. Ngoài ra, các loài cạp nia sông Hồng, đầu vàng khá phổ biến.
Rắn cạp nia miền Nam (bungarus candidus) có tên khác là mai gầm, tên tiếng Anh là Malayan krait. Chúng phân bố chủ yếu ở miền Trung và Nam như Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Phú Yên, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Nha Trang, Ninh Thuận, Tây Ninh, Đồng Nai.
Cạp nia Bắc (bungarus multicinctus) hay rắn vòng trắng, tên tiếng Anh là Chinese krait. Chúng tập trung chủ yếu ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra.
Rắn cạp nia sông Hồng (bungarus slowinskii) phân bố ở dọc sông Hồng và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế. Cạp nia đầu vàng (Bungarus flaviceps) có thể tìm thấy ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đa số nạn nhân là người lao động tại vườn, lội nước khi đánh bắt cá, vô tình bị cắn khi đi bộ trên đường. Những người đang ngủ ngoài đồng, nền nhà thường bị cạp nia bò vào cắn.
Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố tiền và hậu synape gây liệt mềm kéo dài. Trong đó, nọc rắn cạp nia miền Bắc và miền Nam có thể chứa độc tố kiểu natriuretic peptide, gây tăng thải natri qua thận dẫn tới hạ natri máu.
Hầu hết trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và ngưng thở nếu không được đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, hồi sức và thở máy.
Việc cần làm ngay khi bị rắn cắn
TS.BS Lê Xuân Dương, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết sau khi bị rắn độc cắn, nạn nhân cần được sơ cứu ngay, tiến hành trước khi vận chuyển đến bệnh viện. Bạn có thể nhờ người khác giúp đỡ hoặc bản thân tự làm.
Mục đích sơ cứu là để loại bỏ bớt nọc độc và làm chậm sự dịch chuyển của nó từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể. Tuy nhiên, người dân cần sơ cứu đúng cách với các bước sau:
Trấn an nạn nhân
Không để nạn nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).
Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
Cụ thể:
- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn.
- Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,...) cố định chân, tay bị cắn. Chú ý, không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
- Có thể chích nặn rửa vết cắn dưới bòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng
- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân...
"Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả", bác sĩ Dương nhấn mạnh.