Mới: Bộ Tư pháp nói gì về việc thi hành án trong vụ Vạn Thịnh Phát?
Tại buổi họp báo chiều nay 12-4, liên quan đến việc thi hành án đối với số tiền khủng phải bồi thường, tài sản bị kê biên trong vụ Vạn Thịnh Phát, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, ngay sau khi bản án có hiệu lực sẽ tổ chức thi hành.
Về kế hoạch thi hành án trong vụ Vạn Thịnh Phát, ông Nguyễn Thắng Lợi – Phó Tổng Cục trưởng - Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp thông tin, ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên, phong tỏa và chuyển giao tài sản, vật chứng cho cơ quan thi hành án.
Tổng cục đã kiểm tra, rà soát về thủ tục pháp lý đối với toàn bộ tài sản là vật chứng của vụ án. Tuy vậy, vụ án mới xét xử sơ thẩm xong và hiện bản án chưa có hiệu lực thi hành. Nếu không có kháng cáo kháng nghị hoặc khi án phúc thẩm có hiệu lực, cơ quan thi hành án sẽ khẩn trương tổ chức thi hành án theo đúng quy định.
“Vụ án liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát là vụ án đặc biệt lớn. Tổng cục Thi hành án dân sự đã chủ động chỉ đạo cơ quan thi hành án TP.HCM xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn để ngay khi án có hiệu lực sẽ tổ chức thi hành” – ông Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh.
Về việc thi hành án đối với trái phiếu, theo ông Nguyễn Thắng Lợi, khi bản án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành theo đúng trình tự, thủ tục.
Ngoài nội dung trên, một trong những vấn đề khác được báo chí quan tâm là giới hạn độ tuổi của công chứng viên không quá 70 tuổi tại Dự án Luật Công chứng sửa đổi. Theo ông Lê Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp dự kiến giới hạn độ tuổi của công chứng viên không quá 70 tuổi vì nghề ngày đòi hỏi sự minh mẫn.
Cũng theo ông Lê Xuân Hồng, dù luật hiện hành không giới hạn độ tuổi, song ở Dự thảo Luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đề xuất quy định về vấn đề này để tăng cường chất lượng công chứng viên, phù hợp với độ tuổi lao động trong Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân hiện nay là trên dưới 73 tuổi nên việc đề xuất giới hạn độ tuổi này đối với công chứng viên là phù hợp.
Hơn nữa, công chứng là dịch vụ công, công chứng viên được Nhà nước bổ nhiệm, là công việc đòi hỏi năng lực trí tuệ. Hiện nay số công chứng viên trên 70 tuổi hành nghề rất ít, chỉ khoảng 10%. Việc quy định độ tuổi như trong dự thảo có điều khoản chuyển tiếp đối với nội dung này là 2 năm là hợp lý.
“Hoạt động công chứng mang tính chất dịch vụ công cơ bản, dù xã hội hóa nhưng vẫn phải tăng cường quản lý. Do đó, Chính phủ phải có định hướng phát triển nghề này, các bộ ngành đưa ra các quy chuẩn, các địa phương phải có đề án kế hoạch quản lý” – ông Lê Công Hồng nhận định.