Mới chớm hè, học sinh lớp 11 đã lao vào học thêm kín tuần
Dù kỳ nghỉ hè mới bắt đầu, nhiều học sinh lớp 11 đã phủ kín lịch học thêm hè vì lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình mới.
Cuối tháng 5 tổng kết năm học, chưa kịp nghỉ ngơi, Hà My, học sinh lớp 11 ở Hà Tĩnh, đã khởi động mùa hè bằng việc đăng ký 3 lớp học thêm môn Toán, Vật lý, Tiếng Anh và thêm một khóa ôn thi đánh giá năng lực.
Không còn nghỉ “xả láng" như các năm trước, kỳ nghỉ hè năm nay, My lao vào học không có ngày nghỉ.
Năm 2024 là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức theo chương trình cũ. Từ năm 2025, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi này với hình thức và đề thi mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Không riêng Hà My, nhiều học sinh vừa kết thúc lớp 11 đã tỏ ra lo lắng, áp lực trước kỳ thi “kiểu mới" này.
Học sớm cho yên tâm
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Hà My cho biết em đặt mục tiêu thi đậu Đại học Kinh tế Quốc dân nên em muốn ôn tập từ sớm cho yên tâm. Hơn nữa, bài thi đánh giá năng lực có nhiều kiến thức lạ, khó hơn nên em muốn ôn luyện nhiều cho quen dạng đề.
Kỳ nghỉ hè mới trôi qua nửa tháng, Hà My đã học được khoảng 20 buổi ôn thi đánh giá năng lực. Mỗi ngày, nữ sinh đều học online theo khung giờ 21-23h.
Nói thêm về việc ôn thi đánh giá năng lực, My cho hay em biết đến kỳ thi này từ khi học lớp 10 nhưng đến hiện tại em mới quyết định đăng ký học. Lý do là nữ sinh muốn tham khảo kỹ để tìm ra khóa học phù hợp với mong muốn và định hướng của bản thân.
Hiện, Hà My chọn khóa ôn thi đánh giá năng lực giá 3 triệu đồng, học theo nhóm và có thể ôn tập cho đến ngày thi. Dù học online, nữ sinh đánh giá giáo viên dạy khá dễ hiểu và rất nhiệt tình, học sinh nhắn tin hỏi bài sẽ ngay lập tức có phản hồi.
Tương tự, mới chính thức nghỉ hè khoảng 10 ngày nhưng Lê Huy (học sinh lớp 11 tại Hà Nam) cũng đã bắt đầu cắp sách đến lớp học thêm.
Hiện tại, Huy học thêm 8 buổi/tuần cho ba môn Toán, Hóa và Tiếng Anh. Thời gian còn lại, em sẽ dành cho việc tự học hoặc nghỉ ngơi. Nam sinh cho biết do chuẩn bị vào năm cuối cấp nên hè này, em bắt đầu học sớm hơn mọi năm để đỡ dồn dập khi bước vào năm học mới.
Chưa kể, thấy các bạn đồng trang lứa đã học online gần hết kiến thức lớp 12, nam sinh cũng sốt ruột. Tháng 8 này, Huy cũng dự định thi lấy chứng chỉ IELTS để tăng cơ hội xét tuyển, vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để tập trung ôn tập.
Các lớp học thêm của Huy thường gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại. Giáo viên cũng sắp xếp học vào các buổi chiều hoặc tối để thời tiết mát mẻ, Huy và các bạn thoải mái hơn.
“Em quen với việc không có nghỉ hè rồi. Lịch học dàn trải, chỉ khoảng 2 giờ/buổi nên cũng không thấy mệt. Sang năm thi rồi nên em phải cố gắng", Huy chia sẻ.
Bùi An (học sinh lớp 11 tại Hà Nội) cũng cho hay em sẽ bắt đầu học thêm môn Toán 2 buổi/tuần từ tuần sau. Môn Vật lý và Tiếng Anh sẽ bắt đầu muộn hơn, vào tháng 7 tới. Dù có phần mệt mỏi khi thời gian nghỉ ngơi không kéo dài, An vẫn cố gắng để không tụt lại phía sau.
“Ngay khi vừa nghỉ hè, em đã thường xuyên bỏ sách vở ra tự học để đỡ quên kiến thức. Đến bây giờ, em mong ngóng từng ngày đến lịch học thêm để được thầy cô định hướng và giải đáp thắc mắc", An chia sẻ.
Lo sốt vó với các kỳ thi “kiểu mới"
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Bùi An cho biết sau khi Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2025, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức thi khảo sát chất lượng hai môn Toán, Văn cho học sinh lớp 11.
Dù sức học không tệ, kiến thức nằm trong chương trình lớp 11, An vẫn đạt điểm không quá cao bởi còn bỡ ngỡ với đề thi kiểu mới. Nam sinh cho biết do là năm đầu tiên thi theo chương trình mới, số lượng đề thi trong ngân hàng đề rất ít, An cùng nhiều bạn khác gặp khó trong quá trình ôn tập.
Không chỉ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nam sinh cũng lo lắng với các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học như đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. An được biết năm học tới, ngân hàng đề của kỳ thi này cũng có nhiều thay đổi, bổ sung thêm phần ngoại ngữ.
Tới tận tháng 8, trường mới công bố đề thi tham khảo trong khi khoảng tháng 3 đã bắt đầu tổ chức thi. Vì vậy, nam sinh cũng sốt ruột, xác định phải chuẩn bị từ sớm, ngay trong hè này.
Trong khi đó, từ học kỳ 2 lớp 11, Hà My cũng đã được thi cuối kỳ theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT kiểu mới. Nữ sinh đánh giá đề thi mới không phải quá khó đến mức khiến thí sinh áp lực, nhưng không dễ ăn điểm như đề thi dạng cũ.
My kỳ vọng đề thi tốt nghiệp của khóa học sinh “chuột bạch” sẽ nhẹ nhàng, vừa phải để học sinh có thể phát huy tốt khả năng của bản thân.
Còn về kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, khi đọc tin số lượng thí sinh đăng ký đạt kỷ lục trong năm 2024, Hà My cũng xác định tinh thần là số lượng thí sinh năm 2025 cũng có thể “bùng nổ” như vậy. Nữ sinh không coi điều này là áp lực, chỉ là động lực để cố gắng hơn.
Thời gian tới, Hà My dự kiến sẽ đăng ký thi đánh giá năng lực ngay đợt đầu tiên để chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học. Nếu điểm thi chưa được như mong muốn, nữ sinh sẵn sàng thi lại thêm lần nữa để nâng cao cơ hội trúng tuyển Đại học Kinh tế Quốc dân.