Mọi chúng sinh đều bình đẳng

Thế Tôn đã dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những thứ bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc lối, đem đèn sáng vào căn phòng tối. Cũng vậy, Chính pháp được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để giải thích.

1. Duyên khởi kinh

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Lúc bấy giờ, khoảng 500 Bà la môn từ nhiều quốc độ khác nhau cũng trú tại ở đó. Họ cùng nhau tới chỗ đức Thế Tôn để thảo luận vấn đề liên quan tới sự thanh tịnh của các giai cấp.

Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

Ảnh minh họa thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

2. Nội dung kinh

2.1. Quan điểm của Bà la môn chống lại chủ trương của đức Thế Tôn

Thế Tôn chủ trương bốn giai cấp đều thanh tịnh

Quan điểm Bà la môn

Chỉ có Bà la môn là giai cấp tối thượng, giai cấp khác là hạ liệt; chỉ có Bà la môn là màu da trắng, giai cấp khác là màu da đen; chỉ có Bà la môn là thanh tịnh, các giai cấp khác không được như vậy. Chỉ có Bà la môn là con chính thống của Phạm Thiên (Bậc tối cao), sinh ra từ miệng Phạm Thiên, do Phạm Thiên sinh, do Phạm Thiên tạo ra.

2.2. Lời giảng của đức Thế Tôn

Các nữ Bà la môn, vợ các nam Bà la môn có kinh nguyệt, có mang thai, có sinh con, có cho con bú, các Bà la môn nam được sinh ra từ căn (bộ phận) của người nữ. Vậy tại sao người Bà la môn lại nói mình là con chính thống của Phạm Thiên, sinh ra từ miệng Phạm Thiên, là thanh tịnh, còn các giai cấp khác thì không?

Có người thuộc giai cấp Sát đế lỵ hoặc giai cấp bần tiện sát sinh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tâm tham, có tâm sân, có tà kiến. Sau khi mạng chung, người đó bị sinh vào cõi dữ, đọa xứ. Vậy Bà la môn cũng sát sinh, lấy của không cho,… cho tới có tà kiến, thì không phải như vậy? Các vị Bà la môn cũng tự nhận rằng với giai cấp Bà la môn nếu sát sinh, lấy của không cho,… cho tới có tà kiến thì cũng bị sinh vào cõi dữ, đọa xứ, chứ không khác.

Có người thuộc giai cấp Bà la môn từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói ác khẩu, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tâm tham, sân và từ bỏ tà kiến. Sau khi mạng chung, người đó được sinh vào thiện thú, cõi lành. Vậy các giai cấp khác thì sao? Họ cũng vậy, chứ không khác.

Chỉ có người thuộc giai cấp Bà la môn mới có thể tu tập từ tâm, không hận, không sân, còn các giai cấp khác thì không? Không, tất cả các giai cấp đều có thể tu tập từ tâm, có thể không hận, có thể không sân.

Và nữa, người thuộc giai cấp Bà la môn dùng những vật dụng đắt tiền và gỗ quý để đánh ra ngọn lửa; người thuộc giai cấp khác dùng vật dụng thô sơ, rẻ tiền và gỗ củi ven đường đánh ra ngọn lửa. Vậy ngọn lửa có khác nhau không? Ánh sáng, hơi ấm từ ngọn lửa có khác nhau không?

Nếu 2 người Bà la môn, cùng cha khác mẹ; nhưng một người đọc tụng Thánh điển, sống thiện lành và một người không đọc tụng Thánh điển, sống bất thiện, thì các vị cúng dường cho ai. Các vị Bà la môn nói rằng sẽ cúng dường cho người con đọc tụng Thánh điển, sống thiện lành. Như vậy, ngay trong chính giai cấp Bà la môn đã có sự tự phân chia.

Qua đó, giai cấp Bà la môn và các giai cấp khác nhau không có sự phân biệt, đều có thể thanh tịnh bình đẳng.

Lời kết

Các vị Bà la môn có luật được gọi là MANU, luật này nói rằng người cùng giai cấp mới được cưới nhau. Người Bà la môn cưới người Bà la môn, người hạ tiện cưới người hạ tiện. Hai người Bà la môn cưới nhau, sinh con, nhưng lại chủ trương mình là con của Thần Sáng Tạo.

Thế Tôn đã dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những thứ bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc lối, đem đèn sáng vào căn phòng tối. Cũng vậy, Chính pháp được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để giải thích.

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo: Kinh Assalayàna (Assalayàna sutta), Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya), Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/moi-chung-sinh-deu-binh-dang.html