Mọi chuyện sẽ diễn ra thế nào sau bầu cử Đức?
Hôm nay (26/9), nước Đức đã bước vào cuộc tổng tuyển cử, lần đầu không có sự hiện diện của bà Angela Merkel như một ứng viên sau 16 năm. Lịch sử sẽ sang trang, nhưng có lẽ phải mất một thời gian trước khi người Đức tìm ra được người kế nhiệm bà ở vị trí thủ tướng.
Ai sẽ bầu thủ tướng Đức?
Theo luật bầu cử, vị trí thủ tướng Đức không được bầu trực tiếp bởi người dân, mà được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện (Bundestag). Có nghĩa, sau khi chính phủ được thành lập, bà Merkel vẫn có thể tại vị trong vài tuần, thậm chí có thể vài tháng trong một vài trường hợp đặc biệt.
Thủ tướng Đức không được bầu trực tiếp bởi người dân, mà được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Bundestag - hạ viện của quốc hội - Ảnh: DPA
Không như nhiều quốc gia khác, tại Đức tất cả các đảng đều có thể bắt tay vào việc đàm phán thành lập chính phủ và chọn thủ tướng sau cuộc tổng bầu cử. Trong giai đoạn này, không có giới hạn thời gian, không có gì ngăn cản các đảng đàm phán liên minh với nhau. Mặc dù theo truyền thống và theo thực tế, đảng lớn nhất sẽ mời các đảng nhỏ hơn thành lập liên minh của mình.
Đảng Xanh sẽ tiến hành đại hội đảng vào ngày 02/10 tới, để quyết định xem họ sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với đảng nào. “Bất cứ liên minh nào kết thúc với đa số ghế trong Hạ viện sẽ giành được vị trí thủ tướng”, Armin Laschet thuộc liên minh bảo thủ CDU-CSU của Thủ tướng Merkel cho biết vào tuần trước.
Liên minh là quan trọng nhất
Như vậy, nếu 2 hoặc 3 đảng, hoặc nhiều hơn, liên minh lại với nhau để nắm đa số ghế Hạ viện, họ vẫn có thể quyết định được vị trí thủ tướng, dù không thắng trong cuộc tổng bầu cử. Trong khi đó, đảng thắng trong tổng bầu cử có thể lại “thất bại”, nếu một mình đảng này không nắm được đại đa số ghế trong Hạ viện, đồng thời không liên minh được với đảng nào.
Chẳng hạn, đảng chiến thắng trong bầu cử giành được 40% số ghế, nhiều nhất so với các đảng khác, song có thể vẫn thấp hơn tổng số ghế của 2 hoặc 3 đảng phía sau nếu những đảng này liên minh với nhau lại.
Bởi vậy, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu ngay khi có kết quả bầu cử, khi mà số ghế trong Hạ viện mà các đảng giành được đã được xác định. Quốc hội mới được bầu phải tổ chức phiên họp khai mạc chậm nhất là 30 ngày sau cuộc bầu cử, tức ngày 26/10 tới, để bầu ra người sẽ giữ chức thủ tướng mới.
Trong trường hợp hai hoặc ba đảng đồng ý thành lập một liên minh, họ phải bắt đầu các cuộc dàn xếp liên minh chính thức, để phân chia công việc; tức quyết định ai sẽ phụ trách bộ nào trong chính phủ. Rồi sau đó, điều quan trọng nhất là liên minh sẽ đề cử người mà họ muốn làm thủ tướng cho cuộc bỏ phiếu chính thức tại Hạ viện.
Tình huống xấu nhất
Theo Điều 63 của hiến pháp Đức, nếu không có liên minh đảng phái nào xuất hiện sau này để quyết định vị trí thủ tướng, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ đề cử một thủ tướng tiềm năng, thường từ đảng phái giành chiến thắng trong cuộc tổng bầu cử.
Quốc hội sau đó sẽ bỏ phiếu kín. Nếu ứng cử viên đó đạt được tuyệt đại đa số phiếu (trên 50%), ông ấy hoặc bà ấy sẽ lập tức trở thành Thủ tướng Đức. Nếu không đạt được yêu cầu, một cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức sau đó hai tuần.
Trong trường hợp ứng viên đó vẫn không giành được trên 50% số phiếu, ngay lập tức sẽ có một cuộc bỏ phiếu thứ ba. Và ở cuộc bỏ phiếu này, ứng viên đó chỉ cần đa số tương đối phiếu (không cần quá 50%) là có thể trở thành tân Thủ tướng Đức. Dẫu vậy, ứng viên này vẫn cần sự chấp thuận từ Tổng thống. Còn không, Hạ viện sẽ giải tán và một cuộc tổng bầu cử mới tại Đức sẽ diễn ra.
Điều tưởng như khó xảy ra trên thực tế đã suýt thành hiện thực ở chính cuộc bầu cử gần nhất năm 2017. Chỉ sau khi Tổng thống Steinmeier kêu gọi các đảng gặp lại nhau để thành lập một liên minh lớn hơn, bà Merkel mới giành chiến thắng, chỉ chính thức bước vào nhiệm kỳ mới (tức nhiệm kỳ cuối cùng hiện tại) vào ngày 14/03/2018.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/moi-chuyen-se-dien-ra-the-nao-sau-bau-cu-duc-post158170.html