Mọi cố gắng của OPEC+ đều đã uổng công?

Tính đến đầu giờ sáng 28/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 74,78 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 78,37 USD/thùng. Đây là mức mà trước khi OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng nhằm khôi phục giá dầu.

Giá dầu hiện đã trượt dài vì giới đầu tư thì tiếp tục lo ngại về suy thoái kinh tế, phớt lờ vấn đề Mỹ đang cạn kho trữ dầu.

Như vậy, lần đầu tiên từ cuối tháng 3/2023, giá dầu Brent đã chạm mốc dưới 80 USD/thùng, còn WTI thì chạm mức thấp nhất của tháng.

Theo ông Fawad Razaqzada - nhà phân tích tại công ty giao dịch ngoại hối City Index: “Những lo ngại về suy thoái kinh tế và nhu cầu giảm đang đẩy các nhà đầu tư ra khỏi thị trường dầu thô. Do đó, khoảng cách giá giữa hai chuẩn dầu thô đã thu hẹp lại so với đầu tháng – thời điểm mà một vài thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) tuyên bố tự nguyện cắt giảm hạn ngạch sản lượng dầu của họ, làm bỡ ngỡ cả thị trường”.

Sau đó, giá của 2 chuẩn dầu thô đã tăng lên tầm 6 USD/thùng.

Theo nhà phân tích, có một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến giá: “Khi xảy ra chênh lệch giá vào đầu tháng, nhiều nhà đầu tư chắc chắn đã tận dụng vị thế mua của họ”. Điều này có nghĩa là, họ tranh thủ mua hàng trước vì dự đoán giá sẽ tăng.

Ông Razaqzada tiếp tục: “Sau đó, họ bán khống dầu ra thị trường, tạo thêm áp lực giảm giá dầu”.

Mặt khác, theo số liệu ngày 26/4 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô dùng cho thương mại đã tiếp tục giảm nhiều hơn dự kiến.

Trong tuần kết thúc vào ngày 21/4, dự trữ dầu giảm đi 5,1 triệu thùng.

Theo Bloomberg và giới phân tích, dự trữ dầu thô dùng cho thương mại, cũng như xăng, có thể sẽ giảm hơn 1,5 triệu thùng.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/moi-co-gang-cua-opec-deu-da-uong-cong-683697.html