Mối cừu thù thêm khó hóa giải

Chính phủ, giới quân sự và tình báo Israel có thể hể hả về việc thủ lĩnh chính trị của lực lượng Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở thủ đô Tehran của Iran và gần như ngay sau đó, thêm một thủ lĩnh của lực lượng Hezbollah cũng bị ám sát ở ngoại ô thủ đô Beirut của Lebanon.

Đối với Hamas, đấy là một tổn thất to lớn. Nhưng việc ông Ismail Haniyeh bị thủ tiêu không có nghĩa Israel đã làm suy yếu đáng kể lực lượng Hamas, càng không có nghĩa làm lụi bại được lực lượng này.

Trái lại, hệ lụy trước hết và ngay lập tức của cả hai vụ ám sát nói trên là mối cừu thù lâu nay giữa Hamas và Hezbollah với Israel càng thêm sâu đậm, khó khắc phục. Soi vào cuộc chiến tranh hiện tại dai dẳng giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, có thể thấy được, phía Israel không có chủ ý tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình mà vẫn tiếp tục quyết tâm theo đuổi mục tiêu xóa sổ hoàn toàn Hamas.

Nếu cứ tiếp tục như vậy thì rồi đây giữa Hamas và Israel không thể có được bất cứ thỏa thuận chính trị nào dù về ngừng chiến hay chấm dứt cuộc chiến. Cũng từ đó có thể thấy, các con tin người Israel gần như không còn cơ hội được Hamas trả tự do và phải chăng Chính phủ Israel của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang đặt mục tiêu xóa sổ Hamas lên trước mục tiêu cứu sống các con tin?

Triệt tiêu những nhân vật bị coi là kẻ thù, bất kể những người này trú ngụ ở đâu, bằng mọi cách và với mọi giá vốn là một phương thức hành động rất thông dụng của Israel từ trước đến nay. Israel đã nhiều lần thể hiện năng lực tình báo và quân sự khi thực hiện thành công phương thức này. Ám sát các nhân vật lãnh đạo Hamas, Hezbollah và Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran giúp chính phủ, giới quân sự và tình báo Israel "trang trải" sự tổn hại thể diện và uy danh sau khi bị lực lượng Hamas bất ngờ tấn công ngày 7-10 năm ngoái.

Israel sát hại ông Ismail Haniyeh ở Iran còn làm cho mối thù địch giữa Israel và Iran thêm trầm trọng, đẩy Iran vào tình thế buộc phải trả đũa Israel và chắc chắn phải ở mức độ mạnh mẽ và quyết liệt hơn về quân sự so với lần trước, sau khi một chỉ huy cấp cao của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran bị sát hại ở Syria hồi tháng 4-2024.

Qua đó cho thấy, Israel hiện đang tiến hành nhiều cuộc chiến tranh cùng một lúc: Với Hamas ở Dải Gaza, với Hezbollah ở Lebanon, với các lực lượng vũ trang Hồi giáo theo dòng Shiit ở Iraq và Syria, với phe phiến quân người Houthis ở Yemen và cả với Iran. Rủi ro và thách thức rất lớn về quân sự, quốc phòng - an ninh nhưng Israel xem ra rất tự tin. Nguyên do là Israel thừa biết rằng Mỹ không bao giờ buông bỏ Israel, bất kể Tổng thống Mỹ là ông Joe Biden hiện tại hay là ông Donald Trump hoặc bà Kamala Harris trong tương lai gần...

Hamas sẽ nhanh chóng chọn nhân sự thay thế ông Ismail Haniyeh. Hamas, Hezbollah và cả Iran đều phải ý thức đầy đủ hơn về yếu kém, bất cập hay chủ quan về an ninh trước Israel. Mối thâm thù càng thêm sâu đậm thì cuộc đối địch càng thêm quyết liệt và không khoan nhượng. Đấy đều là những điềm bất lành cho triển vọng an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh trong thời gian tới. Tân Tổng thống Iran được nhìn nhận là người ôn hòa nhưng giờ buộc phải cứng rắn với Israel. Israel có ưu thế quân sự nổi trội so với các địch thủ. Nhưng nếu các địch thủ này liên minh lại cùng chiến tranh với Israel thì Israel sẽ khó có thể tiếp tục như hiện tại.

Giờ thì ai có thể "rút củi đáy nồi" đây?

Đại sứ Trần Đức Mậu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/moi-cuu-thu-them-kho-hoa-giai-673685.html