Mới đăng ký nguyện vọng, sĩ tử đã tất tả làm thêm lo học phí

Đang ở thời điểm đăng ký nguyện vọng đại học, nhiều thí sinh đã kiếm việc làm thêm để có thu nhập phụ gia đình trang trải chi phí đầu năm.

 Học sinh vội tìm việc làm thêm để đóng học phí và trang trải các khoản phí sinh hoạt khi lên đại học. Ảnh minh họa: Pexels.

Học sinh vội tìm việc làm thêm để đóng học phí và trang trải các khoản phí sinh hoạt khi lên đại học. Ảnh minh họa: Pexels.

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, chưa kịp biết điểm thi, Mai Trang (ở Hà Tĩnh) đã đi tìm việc làm thêm để chuẩn bị cho việc học đại học sắp tới.

Đối với nữ sinh, việc kiếm tiền để chuẩn bị cho việc học đại học rất quan trọng vì gia đình em không mấy khá giả. Em hy vọng thu nhập từ việc làm thêm có thể hỗ trợ bố mẹ một phần cho việc chi trả học phí đại học trong thời gian tới.

Không riêng Trang, một tuần sau kết thúc kỳ thi, Nguyễn Châu (ở huyện ngoại thành Hà Nội) cũng khăn gói đồ đạc vào nội thành với mục đích tìm việc làm thêm sớm.

Không dám học Hà Nội vì đắt đỏ

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Châu cho biết kỳ thi năm nay, em đạt 25 điểm, dự định xét tuyển vào ngành Sư phạm Tiểu học và Sư phạm Ngữ văn của một số trường đại học.

Nữ sinh nhẩm tính nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Đại học Hải Dương, mức học phí tạm đóng sẽ khoảng 6,3 triệu đồng cho học kỳ đầu tiên, tiền thuê trọ 2 triệu đồng. Ngoài ra em còn các khoản khác như mua đồ dùng, chi phí sinh hoạt, đóng bảo hiểm, phí nhập học, giáo trình, tài liệu, phí kiểm tra đầu vào tiếng Anh. Châu tính sơ cũng khoảng 12-15 triệu đồng.

“Đó là chi phí nếu em đỗ vào Đại học Hải Dương. Nếu đỗ trường ở Hà Nội, chắc chắn chi phí sẽ cao hơn. Em khá lo”, Châu chia sẻ cả bố và mẹ em đều làm giáo viên tiểu học, thu nhập không quá cao. Đầu năm học, ngoài Châu, bố mẹ còn phải lo chi phí cho em trai. Nếu tính cả hai chị em, tháng 8-9, gia đình sẽ phải chi một khoản khá lớn.

Bên cạnh đó, mấy tháng qua, từ khi tìm hiểu cho đến lúc đăng ký nguyện vọng, Châu cũng nghe anh chị khóa trên chia sẻ về việc học phí sẽ tăng hàng năm, các khoản chi phí mỗi tháng cũng sẽ cao lên theo thị trường. Châu băn khoăn bởi tính đường học tập không chỉ tính năm đầu, mà phải nhìn xa hơn các năm tiếp theo.

Trong khi đó, Mai Trang đạt 24,75 điểm ở tổ hợp khối A00 nên dự định theo học ngành Tài chính - Ngân hàng tại Đại học Vinh. Năm 2023, ngành này của trường lấy điểm chuẩn 19 nên nữ sinh mong bản thân có nhiều cơ hội trúng tuyển.

Ban đầu, Trang muốn đăng ký ngành Tài chính - Ngân hàng của một trường đại học khác tại Hà Nội nhưng cuối cùng, em từ bỏ ý định đó vì học phí đắt hơn. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ, em lo gia đình và bản thân không đủ khả năng để theo học.

Trước khi thi tốt nghiệp THPT, nữ sinh cũng được giáo viên tư vấn về việc chọn trường đại học phù hợp với điều kiện gia đình. Theo đó, Trang được giáo viên khuyên nên cân nhắc về việc nên học ở Vinh để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Học phí các trường đại học ở Vinh cũng như tiền trọ, phí sinh hoạt cũng sẽ rẻ hơn.

“Giáo viên của em nói Hà Nội cái gì cũng đắt, đến gia đình khá giả cũng phải chật vật vì đủ thứ phải chi. Em sợ gia đình không gánh được nên từ bỏ ý định học Hà Nội và chọn học ở Vinh để đỡ áp lực tiền bạc”, nữ sinh chia sẻ.

Học phí, phí sinh hoạt và các chi phí liên quan là mối quan tâm hàng đầu của nhiều học sinh khi sắp lên đại học.

Học phí, phí sinh hoạt và các chi phí liên quan là mối quan tâm hàng đầu của nhiều học sinh khi sắp lên đại học.

Không riêng Nguyễn Châu và Mai Trang, áp lực chi phí khi lên đại học cũng là mối bận tâm của nhiều học sinh khác.

Trong một hội nhóm với hơn 2 triệu thành viên, một học sinh đăng bài viết với nội dung: "Mọi người cho em hỏi là học Luật kinh tế thì cần trang trải những khoản chi phí nào ngoài học phí ạ, em nghe nhiều người nói học ngành này tốn tiền nên hơi đắn đo".

Phản hồi thắc mắc này của nữ sinh, một số sinh viên ngành Luật kinh tế cho biết ngoài học phí, người học sẽ tốn thêm một khoản tiền mua giáo trình, sách luật, in tài liệu học tập. Trung bình mỗi học kỳ tốn thêm khoảng 500.000-700.000 đồng.

Quyết định làm thêm để kiếm trước học phí

Hiện, Mai Trang đang làm thêm tại một quán trà sữa gần nhà. Ngoài tiền lương được tính theo ngày, nữ sinh được bao ăn 2 bữa/ngày nên có thể tiết kiệm thêm một khoản tiền nhỏ.

Do quán trà sữa quy mô không lớn, công việc của Trang chủ yếu là pha chế, bưng bê và dọn dẹp. Khi rảnh rỗi, em vẫn có thể tranh thủ thời gian để nghe các video, podcast tiếng Anh.

Biết Trang là học sinh lớp 12, chuẩn bị lên đại học, chủ quán trà sữa cũng tạo điều kiện để em vừa học tiếng Anh vừa làm, miễn là không ảnh hưởng đến công việc. Mới đây, khi biết tin nữ sinh đạt điểm khá ổn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, chủ quán thưởng thêm một khoản tiền nhỏ để cổ vũ tinh thần học tập.

Vài ngày tới, Trang sẽ nhận được tháng lương đầu tiên. Nữ sinh dự kiến cất riêng khoản tiền kiếm được để thời gian tới đóng học phí và tiền nhà. Từ nay đến khi Đại học Vinh công bố điểm chuẩn và thông báo nhập học chính thức, Trang vẫn sẽ đi làm thêm để phụ giúp gia đình.

“Trước mắt, em không cần mua laptop vì laptop cũ họ hàng cho vẫn dùng tốt, cái em lo nhất vẫn là học phí và tiền thuê trọ. Em biết là số tiền em kiếm được không đáng bao nhiêu so với khoản chi phí khổng lồ cho việc học đại học nhưng em mong có thể giúp bố mẹ giảm phần nào gánh nặng khi nuôi em ăn học”, Trang nói.

 Làm thêm giúp tăng thu nhập, đồng thời giúp học sinh có thêm kỹ năng sống. Ảnh minh họa: Pexels.

Làm thêm giúp tăng thu nhập, đồng thời giúp học sinh có thêm kỹ năng sống. Ảnh minh họa: Pexels.

Tương tự, Nguyễn Châu cũng tìm kiếm việc làm thêm ở trên mạng và hỏi thăm người quen. Do chưa đủ 18 tuổi, nữ sinh gặp khó khi ít nơi nào nhận. Mất gần hai tuần, Châu mới tìm được công việc đầu tiên, yêu cầu có giấy bảo lãnh của gia đình và xác nhận của địa phương.

Nữ sinh làm phục vụ tại một nhà hàng ăn uống ở Hà Nội. Mỗi ngày, em đều bắt xe buýt từ nhà người quen đến chỗ làm. Châu làm ca 5-7 giờ, mỗi tuần làm 4-5 ngày.

Với mức lương 24.000 đồng/giờ, nữ sinh sẽ có thu nhập khoảng 2,5-3,5 triệu đồng/tháng. Điều Châu thích nhất ở đây là môi trường làm việc tốt, lại nhiều khách nước ngoài, em sẽ có cơ hội va chạm để trau dồi thêm ngoại ngữ.

“Em lên thành phố vừa làm quen trước với cuộc sống sinh viên, vừa có thể kiếm tiền. Số tiền em kiếm được không bao nhiêu nhưng cũng góp một chút để phụ bố mẹ tiền sinh hoạt", Châu nói.

Nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên ban hành năm 2022, mỗi học sinh, sinh viên được vay vốn học tập tối đa 40 triệu đồng/năm học 10 tháng, tương đương 4 triệu đồng/tháng.

Chương trình này áp dụng cho học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật và hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường. Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: Cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.

Cũng theo quyết định này, kể từ ngày kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, học sinh - sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Ngoài ra, để hỗ trợ, khuyến khích sinh viên, nhiều đại học đã công bố các gói học bổng dành cho tân sinh viên, mức cao nhất là 100% học phí. Bên cạnh đó, ở mỗi kỳ, mỗi năm học, các trường đều có học bổng khuyến khích học tập cho những sinh viên đạt thành tích tốt.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/moi-dang-ky-nguyen-vong-si-tu-da-tat-ta-lam-them-lo-hoc-phi-post1487964.html