Mọi điều cần biết về Xiaohongshu, ứng dụng 'hot' nhất tại Mỹ ngay lúc này
Trước viễn cảnh TikTok bị cấm, người dùng Mỹ đã đổ xô tải Xiaohongshu, 'Instagram của Trung Quốc'.
Lượt tải Xiaohongshu tại Mỹ đã tăng hơn 200% trong tuần này và 194% tuần trước, theo hãng nghiên cứu thị trường Sensor Tower. Nó giúp ứng dụng đứng đầu bảng xếp hạng App Store và Google Play trong những ngày gần đây.
Trong khi đó, TikTok đứng trước nguy cơ bị cấm hoàn toàn nếu không thoái vốn Trung Quốc trước ngày 19/1. “Án tử” treo lơ lửng khiến khoảng 170 triệu người dùng TikTok Mỹ phải tìm kiếm thay thế, và Xiaohongshu nổi lên như ứng cử viên vô địch. Những TikToker chuyển sang Xiaohongshu tự gọi mình là “người tị nạn TikTok”.
Vậy Xiaohongshu là gì?
Xiaohongshu là nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử do Miranda Qu và Charlwin Mao thành lập năm 2013. Theo New York Times, ứng dụng đặc biệt phổ biến với nữ giới trong độ tuổi 20 – 30.
Mục bình luận của nó trở thành một nguồn thông tin dành cho những ai muốn đặt câu hỏi về mọi thứ trong cuộc sống, tương tự Reddit.
Người dùng cũng tận dụng Xiaohongshu như một công cụ tìm kiếm sản phẩm, du lịch, nhà hàng, mẹo trang điểm, chăm sóc da, theo AP.
Cho đến cuối tháng 12/2024, 85% lưu lượng Xiaohongshu đến từ Trung Quốc, theo Similarweb. Nhiều người xem Xiaohongshu là “Instagram của Trung Quốc”.
Dù có hơn 300 triệu người dùng tích cực, cho đến nay, Xiaohongshu vẫn nhỏ hơn nhiều so với các nền tảng đồng hương như Douyin và Weibo. Tuy nhiên, sự nổi tiếng bất ngờ ở Mỹ của ứng dụng có thể khiến điều đó thay đổi.
Do Trung Quốc yêu cầu người dùng phải đăng ký tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại Trung Quốc, các công ty công nghệ thường tạo ra phiên bản nội địa và quốc tế cho các ứng dụng, chẳng hạn cặp đôi Douyin và TikTok của ByteDance. Song, Xiaohongshu không thuộc trường hợp này.
Vì vậy, Xiaohongshu đang đưa người dùng mạng xã hội Mỹ đến với người dùng Trung Quốc gần hơn bao giờ hết. Các xu hướng tại đại lục cũng sẽ tiếp cận người Mỹ một cách nhanh chóng chưa từng có.
Song, vấn đề kiểm duyệt nội dung và kiếm tiền trên ứng dụng của TikTok và Xiaohongshu không giống nhau. Thu nhập của những người chuyển từ TikTok sang Xiaohongshu có thể không được như cũ.
Xiaohongshu tự định vị là nền tảng mua sắm, hầu hết nhà sáng tạo kiếm tiền từ quan hệ đối tác trả phí hơn là streaming.
Trường hợp của Xiaohongshu và TikTok càng khẳng định rõ một điều: các nền tảng mạng xã hội Mỹ không còn hấp dẫn người dùng trẻ tuổi.
Theo nhà phê bình văn hóa Ryan Broderick, “đây là một cách để cho Silicon Valley biết rằng các sản phẩm của họ đang trì trệ và không một lệnh cấm liên bang nào có thể khiến giới trẻ phát cuồng với Meta trở lại”.
(Theo Indian Express)