Mỗi dự án cao tốc Bắc - Nam là 'một trận đánh, đánh là phải thắng'
Đây là yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT với chủ đầu tư, nhà thầu khi triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra hiện trường thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh.
Thông đường công vụ là đảm bảo tiến độ
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các nhà thầu tham gia Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bổ sung thêm nhiều nhân công, thiết bị để triển khai thi công.
Trên công trường, máy móc liên tục được vận chuyển tới. Một số đoạn đường tiếp cận thuận lợi, nhà thầu đã cho làm lấn tuyến về 2 đầu, tạo thành những vệt đường dài. Nhìn từ trên cao, cảm giác như hình hài đường cao tốc bắt đầu lộ diện.
Tại gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài hơn 35,2 km, do Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư, liên danh nhà thầu gồm: Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng). Các nhà thầu đã phân khai khối lượng, chia nhiều mũi thi công đồng thời trên dọc tuyến. Xe chở vật liệu điều phối nối đuôi nhau chạy.
Đại diện Tổng công ty Vinaconex cho biết, đơn vị đảm nhiệm 22,3km theo chiều dài tuyến, chia làm nhiều hạng mục như: làm đường, cầu cống và hệ thống đường gom.
Hiện trên công trường, đơn vị đã bố trí gần trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng với hàng chục thiết bị máy móc.
Ở phần đường, đơn vị bố trí 7 mũi thi công: mũi 1 từ Km 479+117 - Km 482+519, tại đây đơn vị bố trí hướng tiếp cận công địa bằng đường QL 8A - cầu Đức Thủy, hướng thứ 2 từ QL8A-DH 50 - DH46 - cầu Đức Thủy; Mũi 2 từ Km 482 - Km 486, tại mũi này có 3 đường tiếp cận; Mũi thi công số 3 từ Km486 - Km490; Mũi 4 từ Km490 - Km494; Mũi 5 từ Km494 - Km497...
Chứng kiến mũi thi công đang hạ đồi Long Tương, tại xã Quang Lộc (Can Lộc) tại Km 494+200, với lượng lớn máy móc thiết bị đang đào đất, đá để làm đường công vụ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá cao công tác bố trí nhân lực, máy móc, đặc biệt là phương án thi công hợp lý, khoa học.
“Muốn tạo đột phá thi công các dự án, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam, ưu tiên hàng đầu vẫn phải có đường công vụ. Đây là bài học xương máu rút ra được từ quá trình thi công cao tốc giai đoạn 1.
Có đường công vụ, có thể chủ động về vật liệu, chủ động về công tác tổ chức công trường, đẩy nhanh tiến độ mùa nắng bù mùa mưa...”, Thứ trưởng Thọ nói.
Cũng tại đây, nhà thầu kiến nghị Bộ GTVT và Ban QLDA Thăng Long điều chỉnh mở rộng đường công vụ, không nhất thiết chỉ rộng 3 - 5m mà phải mở rộng lên 7m, để xe chở vật liệu tránh nhau được, tăng khả năng lưu thông mà lại tránh hư hỏng đường.
Tại vị trí thi công do Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) đảm nhiệm, kỹ sư Trần Đình Ngân - Giám đốc ban điều hành dự án cho biết: Đơn vị bố trí 8 mũi thi công, máy móc, nhân lực chia đều trên các tuyến như: Mũi 1 thi công cầu Sơn Lộc (Km 502+821), cầu Thạch Vĩnh (Km 508 - Km 808.83);
Mũi 2 thi công đường từ Km 501+470 - Km 510+500 cộng thêm 4 cầu vượt cao tốc và nút giao đường tỉnh lộ 550; Mũi 3 thi công đường từ Km 510+500 - Km 514+441.33 cộng thêm 2 cầu vượt tuyến chính; Mũi 4 thi công đường nối tỉnh lộ 550 và đường Ngô Quyền từ Km 0 - Km 2+60 và 2 cầu vượt trên tuyến nối; Mũi 5 đường nối nút giao TL550 và đường Ngô Quyền từ Km 2+60 - Km 5+00...
“Để thi công các mũi trên, nhà thầu đã bố trí 65 thiết bị, máy móc và hàng trăm cán bộ công nhân viên, kỹ thuật. Tính đến ngày 9/3, giá trị sản lượng 12,5 tỷ đồng”, kỹ sư Ngân thông tin.
Trong khi đó, tại gói thầu thi công xây dựng Km 514+300 - Km 544+300 thuộc đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng do liên danh nhà thầu là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường - Công ty CP 471 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập thi công, các nhà thầu cũng đang gấp rút triển khai những hạng mục đầu tiên trên tuyến chính.
Sau khi nghe ông Nguyễn Đăng Doanh (DNTN Xuân Trường) báo cáo tiến độ công việc cũng như những vướng mắc gặp phải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ không hài lòng với cách thức tổ chức thi công trên công trường.
Thứ trưởng yêu cầu đơn vị thi công sớm thông đường công vụ, bố trí thêm nhân công, máy móc để thi công các mũi cầu.
“Trong tháng 3 này yêu cầu các đơn vị phải làm xong trạm điện, dựng trạm trộn bê tông và xây dựng được đường tiếp cận vào các trị trí đã được bàn giao mặt bằng. Cùng đó, Ban QLDA Thăng Long cần đôn đốc, sâu sát hơn đối với các đơn vị thi công tại gói này để sớm gỡ các “điểm nghẽn”, Thứ trưởng nói.
“Xắn tay” cùng địa phương GPMB
Sau khi đi thực tế tại các gói thầu thi công, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đặc biệt lưu ý Ban QLDA và các đơn vị thi công: “Đây là dự án chỉ định thầu nên phải dùng kinh nghiệm để làm chắc mọi thủ tục.
Phải coi việc thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam như là một trận đánh. Đã đánh là phải thắng!”.
“Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, chỉ cần một khâu có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Người đứng đầu các ban QLDA phải gương mẫu, các đơn vị thi công phải chỉn chu trong mọi công tác... Phải nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc, thực hiện nguyên tắc phối hợp, hỗ trợ nhau theo đúng chức năng nhiệm vụ. Ai vi phạm nguyên tắc, kể cả nhà thầu, ban”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nhắc lại: "Cái gì nằm trong tầm tay làm được thì phải làm. Đừng chưa nắm được, chưa làm rồi báo cáo lên cấp trên. Ví dụ như mặt bằng, chúng ta đừng coi nó là việc của địa phương mà là việc của Ban, nhà thầu phối hợp với địa phương để cùng tháo gỡ".
Sau những chỉ đạo của lãnh Bộ GTVT, thay mặt nhà thầu và Ban QLDA, ông Hồ Ngọc Loan,- Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cam kết: Với những vấn đề đang còn vướng, Ban sẽ họp với các nhà thầu và thống nhất phương án, từng bước tháo gỡ. Phấn đấu đến hết tháng 4 sẽ cơ bản xong các tuyến đường công vụ, đường tiếp cận công trường. Nếu 30/5/2023 tỉnh Hà Tĩnh bàn giao xong mặt bằng thì cuối tháng 6, xe có thể đi dọc tuyến.
Hà Tĩnh đã kiểm đếm đạt 98,55%, phê duyệt phương án bồi thường 86,15%, đền bù và bàn giao mặt bằng dự án đạt khối lượng 81,18%.
Để triển khai công tác GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, mới đây, Bộ GTVT đã bố trí thêm 1.811,52 tỷ đồng để Hà Tĩnh thực hiện xây dựng khu tái định cư, bồi thường đất ở, di dời hạ tầng kỹ thuật...
Đến nay, Bộ GTVT đã phân khai nguồn kinh phí GPMB cho Hà Tĩnh là 2.578,69 tỷ đồng (năm 2022 là 767,17 tỷ đồng; năm 2023 là 1.811,52 tỷ đồng). Trong đó, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi 1.268,03 tỷ đồng, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng 1.163,03 tỷ đồng và đoạn Vũng Áng - Bùng (đoạn qua Hà Tĩnh) 147,63 tỷ đồng.
Tính tới ngày 17/2, tiến độ giải ngân tiền đền bù GPMB toàn tỉnh là 742,32 tỷ đồng, đạt 28,79%. Cụ thể, huyện Đức Thọ 59 tỷ đồng; huyện Can Lộc 247,07 tỷ đồng; TP Hà Tĩnh 1,754 tỷ đồng; huyện Thạch Hà 151,52 tỷ đồng; huyện Cẩm Xuyên 201,69 tỷ đồng; huyện Kỳ Anh 79,07 tỷ đồng; TX Kỳ Anh 41,86 tỷ đồng.