Mỗi giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lựa chọn ngày 14/6 hằng năm là ngày Quốc tế Người hiến máu để tôn vinh những người đã và đang sẵn sàng hiến giọt máu của mình để cứu tính mạng và cải thiện sức khỏe cho nhiều người khác. Sự lan tỏa của phong trào hiến máu nhân đạo đã nhân lên hàng trăm, hàng nghìn tình nguyện viên tham gia hiến máu mỗi năm.

Hiến máu nhân đạo là nghĩa cử cao đẹp, rất cần được nhân lên bởi mỗi ngày, mỗi giờ có hàng trăm người cần máu để vượt qua “cửa tử”.

Bác sỹ Trần Thị Hảo, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Máu và các chế phẩm từ máu rất cần thiết để cứu nhiều trường hợp bệnh nhân, như sản phụ bị băng huyết, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, trẻ bị thiếu máu huyết tán, những ca chấn thương, cấp cứu hoặc những ca phẫu thuật...

Chính vì vậy, Hội Chữ thập đỏ Bệnh viện Đa khoa tỉnh không chỉ chú trọng công tác xã hội nhân đạo, khám sức khỏe miễn phí cho người dân tại các huyện mà còn phối hợp cùng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện.

Những hội viên Hội Chữ thập đỏ là bác sỹ, điều dưỡng và cũng chính là những tình nguyện viên hiến máu dự bị tại chỗ, kịp thời hiến máu cứu rất nhiều trường hợp gặp nguy hiểm về tính mạng.

Trong những năm qua, để phát triển, duy trì đội ngũ hiến máu tình nguyện, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp đã củng cố, phát triển các câu lạc bộ, đội hiến máu dự bị tại các xã, phường, cơ quan, trường học, doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, hướng tới hoạt động thực chất, hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, trước các chiến dịch, ngày hội hiến máu, công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tích cực tham gia của người dân.

Anh Nguyễn Công Kiệm (thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng) đã nhiều lần tham gia ngày hội hiến máu nhân đạo tại địa phương. Anh Kiệm cho biết, khi đã hiểu về ý nghĩa của những giọt máu bản thân cho đi thì không ngần ngại tham gia hiến máu.

Anh Kiệm biết được rằng khoa học hiện đại cũng không thể sản xuất được máu, vì vậy máu từ người hiến là nguồn duy nhất để giúp những người bệnh có máu để được điều trị, cấp cứu. Qua mỗi lần hiến máu tình nguyện, anh được kiểm tra sức khỏe, làm các xét nghiệm, tư vấn sức khỏe và được cấp một tấm giấy chứng nhận có giá trị miễn phí truyền máu khi có nhu cầu tại các cơ sở y tế công lập trong toàn quốc.

Thành công của những chiến dịch hiến máu tình nguyện tổ chức tại các địa phương được tiếp nối qua từng năm cũng là nhờ công tác tổ chức sự kiện ngày càng được mở rộng và nâng cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác tiếp nhận máu.

Minh chứng rõ nét nhất là theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã vận động, tiếp nhận 2.822 đơn vị máu. Trong đó, tại Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp tết Nguyên đán và Ngày hội Xuân hồng năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 3 đợt tiếp nhận máu, huy động 2.500 người tham gia đăng ký hiến máu và tiếp nhận 1.725 đơn vị máu; vận động được gần 300 đơn vị máu đột xuất phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Trong Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), toàn tỉnh cũng đã tổ chức 2 đợt hiến máu tình nguyện, huy động hơn 1.000 người tham gia đăng ký hiến máu và tiếp nhận 779 đơn vị máu, vận động hiến máu đột xuất được 18 đơn vị.

Trong hàng trăm, hàng nghìn tình nguyện viên hiến máu nhân đạo trên địa bàn tỉnh có những tấm gương như anh Lại Thái Kiên, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) đã 23 lần hiến máu; anh Nguyễn Thế Kỷ, cán bộ Công ty Điện lực Lào Cai tham gia hiến máu gần 70 lần…

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người tham gia hoạt động nhân đạo này lần đầu tiên và sẽ còn tiếp nối. Mỗi người khi hiểu về mục đích cao đẹp của hoạt động hiến máu tình nguyện hãy cùng lan tỏa tinh thần ấy đến mọi người, góp nên nguồn máu dồi dào để có thêm nhiều cuộc đời “ở lại”.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/moi-giot-mau-cho-di-mot-cuoc-doi-o-lai-post369580.html