Mỗi héc ta trồng sâm, sau 5 năm thu được 30 - 50 tỷ đồng
Cây sâm Ngọc Linh tại vùng núi Ngọc Linh, Quảng Nam là loài dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị cao.
Những chỉ số dược liệu quý từ sâm Ngọc Linh đã đưa giá trị kinh tế các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao. Mỗi héc ta trồng sâm sau 5 năm, người dân có thể thu được 30 - 50 tỷ đồng.
Cây sâm Ngọc Linh đã trở thành cây hàng hóa chủ đạo để góp phần giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại vùng trồng sâm.
Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với khoảng hơn 3 triệu cây trên tổng diện tích gần 810ha dưới tán rừng.
Giá trị thương mại của cây sâm Ngọc Linh dần ổn định nhờ các phiên chợ với sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Các phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản, dược liệu đặc trưng của địa phương được tổ chức hằng tháng cùng các lễ hội sâm Ngọc Linh đã trở thành địa chỉ giao dịch hàng nông sản đặc trưng của huyện Nam Trà My.
Các phiên chợ góp phần rất lớn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, dược liệu khác và hàng nông sản. Qua đó tạo thêm nguồn tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Vào dịp lễ hội sâm Ngọc Linh (tháng 8 hằng năm), đồng bào Xê Đăng ở huyện Nam Trà My lại háo hức chuẩn bị những cây sâm chất lượng nhất để bán cho du khách, tích cực tham gia các hoạt động tại lễ hội.
Trong phiên chợ sâm lần này, có cây sâm Ngọc Linh 9 nhánh của ông Đinh Hồng Thắng (xã Trà Linh). Cây sâm này được ông Thắng đào từ rừng tự nhiên mang về trồng trong vườn sâm, có trọng lượng gần 1kg. Cây sâm Ngọc Linh đặc biệt này được định giá đến 790 triệu đồng.
N.N