Mỗi hộ gia đình ở ĐBSCL nên xây 1 bể dự trữ nước mưa?
Theo các chuyên gia, ý tưởng mỗi hộ gia đình ở ĐBSCL xây 1 bể để dự trữ nước mưa vào mùa khô như nhiều nơi là rất khả thi và cần thiết.
Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm
Ông Nguyễn Hồng Khanh - Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, theo số liệu quan trắc của các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ đầu mùa khô tính đến nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và cùng kỳ năm 2023, nhưng không nghiêm trọng như các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020.
Cụ thể, thời điểm xâm nhập mặn bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 12/2023 (ngày 24-27/12/2023), sớm hơn TBNN khoảng 1 tháng nhưng muộn hơn năm 2015, 2019 khoảng 20 ngày. Chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất của ranh mặn 4 g/l từ đầu mùa khô ở vùng các cửa sông Cửu Long đã xuất hiện từ ngày 10-13/3/2024 từ 55-65 km, so với TBNN cao hơn từ 6-16 km, so với năm 2016 thấp hơn từ 5-8 km (riêng sông Cửa Tiểu - Đại đã xuất hiện cao hơn năm 2016 khoảng 4-5 km), thấp hơn năm 2020 từ 7- 36 km. Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4g/l vào sâu từ 80-82 km, so với TBNN cao hơn từ 1-2 km, so với 2016 thấp hơn từ 31-41 km, thấp hơn năm 2020 từ 11-61 km, so với năm 2023 cao hơn từ 14-16km. Ở vùng ven biển Tây, hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã vận hành chủ động kiểm soát xâm nhập mặn, khống chế độ mặn tại cầu Cái Tư ở mức <1g/lít theo đúng yêu cầu dùng nước. So với tính toán trong trường hợp không vận hành, độ mặn giảm khoảng 3 g/lít.
Để ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; số 19/CĐ-TTg ngày 8/3/2024 về việc tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long; số 34/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 661/CT- BNN-TL ngày 23/1/2024 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2023-2024; Văn bản số 1713/BNN-TL ngày 11/3/2024 về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; Văn bản số 2605/BNN-TL ngày 10/4/2024 về tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 11/CT-TTg ngày 1/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong các văn bản trên, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, địa phương và thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực.
Cụ thể, thông tin dự báo chuyên ngành nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 trên phạm vi cả nước được Bộ tổ chức cung cấp sớm từ tháng 9/2023 và liên tục được cập nhật theo tuần/tháng, bao gồm việc xác định rõ các diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng, làm cơ sở để tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn. Toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ ảnh hưởng của xâm nhập mặn được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12/2023. Các diện tích cây ăn trái được chủ động tích trữ nước bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Đến nay, toàn bộ diện tích cây trồng được khuyến cáo thuộc vùng ảnh hưởng được bảo vệ an toàn.
Đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ bị ảnh hưởng, như hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước, thiết lập các điểm cấp nước công cộng; ; cấp nước luân phiên, đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống, khoan bổ sung giếng khai thác, sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý. Đến nay, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng thấp hơn nhiều so với năm 2019-2020 (chỉ bằng khoảng 50%) và mức độ ảnh hưởng đến các hộ cũng ở mức thấp, thời gian ảnh hưởng ngắn chỉ diễn ra vài ngày cao điểm giữa tháng 3/2024 do các hộ đã chủ động tăng thiết bị trữ nước kết hợp với sử dụng nước tiết kiệm.
Dự án đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công 3 tháng, đưa vào vận hành và khai thác sớm góp phần hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho vùng diện tích khoảng 12.580 ha và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 800.000 người dân của tỉnh Tiền Giang: “Đến nay, thực tế các giải pháp được triển khai đã giúp thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn”, ông Nguyễn Hồng Khanh nhấn mạnh.
Mỗi hộ gia đình ở ĐBSCL xây 1 bể dự trữ nước mưa là rất cần thiết và khả thi
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, trong thời gian tới, trước mắt về sản xuất nông nghiệp cần khuyến cáo người dân không xuống giống lúa ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là ở các diện tích lúa Đông Xuân đã được thu hoạch, chỉ tổ chức xuống giống khi có xuất hiện mưa trên diện rộng, hoặc vùng được công trình thủy lợi cung cấp nguồn nước ổn định. Tiếp tục tăng cường việc vận hành các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh; tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
“Về nước sinh hoạt, trước mắt ưu tiên tập trung vận chuyển, cung cấp đủ nước sạch và thiết bị trữ nước sạch để các hộ dân vượt qua được thời kỳ hạn hán, thiếu nước. Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện các biện pháp thu, trữ, xử lý nước an toàn ở khu vực khó khăn về nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, theo tôi, về ý tưởng mỗi hộ gia đình ở ĐBSCL xây 1 bể để dự trữ nước mưa vào mùa khô như nhiều nơi rất khả thi và cần thiết”, ông Nguyễn Hồng Khanh nêu quan điểm.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ được thực hiện theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nhiệm vụ được giao, đang tổ chức xây dựng Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các nhiệm vụ này sẽ đề xuất với Chính phủ, Quốc hội các định hướng giải pháp dài hạn, bao gồm giải pháp tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi, bảo đảm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và những tác động khác từ bên ngoài lãnh thổ đến an ninh nguồn nước, ứng phó hiệu quả với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.