Mối liên hệ giữa hen suyễn và sữa công thức ở trẻ nhỏ

Việc dị ứng với một số loại protein trong sữa công thức khiến bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ trầm trọng hơn. Đáng tiếc, tác nhân gây dị ứng này thường bị bỏ qua.

 Dị ứng với một số thành phần trong sữa công thức khiến bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ nặng hơn. Ảnh: N.S.

Dị ứng với một số thành phần trong sữa công thức khiến bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ nặng hơn. Ảnh: N.S.

Hen suyễn là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ mắc bệnh đang gia tăng nhanh chóng ở Mỹ và các nước công nghiệp phát triển khác. Nhiều trẻ sơ sinh rất khốn khổ khi gặp phải tình trạng này, một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

Mặc dù một số yếu tố góp phần gây bệnh đã được xác định, đáng chú ý là chất lượng không khí kinh khủng ở đa số các thành phố lớn, nhưng yếu tố dị ứng với sữa bò lại thường không được nghĩ tới. Tuy nhiên, từ năm 1959 trở lại đây, người ta thấy rằng sữa bò có thể gây ra bệnh hen suyễn nghiêm trọng ở trẻ em. Ước tính có tới 30% số người bị dị ứng sữa bò sẽ xuất hiện các triệu chứng hen suyễn khi có tiếp xúc.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Allergy (tạm dịch: Dị ứng Lâm sàng), 25 trong số 31 trẻ sơ sinh có tiền sử dị ứng trong gia đình đã mắc bệnh hen suyễn sau khi uống sữa bò. Để so sánh, chỉ có 8 trong số 30 trẻ trong nhóm đối chứng mắc bệnh hen suyễn sau khi bú mẹ hoàn toàn.

Chúng ta cần đặt câu hỏi là tại sao nhóm bú sữa mẹ (nhóm đối chứng) lại có đến 8 trường hợp. Một lý do khả thi là ngay cả khi trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn, chúng vẫn có thể tiếp nhận các protein gây bệnh thông qua sữa mẹ nếu người mẹ tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm từ sữa.

Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tuyên bố chắc chắn rằng: “Không có nỗ lực nào ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của các bà mẹ cho con bú và làm giảm cơ hội để các tác nhân gây dị ứng [protein trong sữa bò] chuyển sang trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ.” Nếu các nhà nghiên cứu có thể đảm bảo chế độ ăn uống của các bà mẹ không có sữa bò thì tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm đối chứng có thể đã thấp hơn rõ rệt.

Một nghiên cứu được tường thuật trên tạp chí Annals of Allergy (tạm dịch: Biên niên sử Dị ứng) cho thấy một số lượng đáng kể trẻ sơ sinh mắc bệnh hen suyễn cũng có kết quả dương tính với hội chứng dị ứng sữa bò. Tất cả số trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở xuống đều thuyên giảm các triệu chứng sau khi loại bỏ sữa bò khỏi chế độ ăn.

Trong một nghiên cứu khác, 15 trong số 22 bệnh nhân hen suyễn được áp dụng chế độ ăn không có sữa bò. Tình trạng của họ cải thiện đáng kể trong hai tuần, nhưng phải sau hai đến ba tháng trôi qua, các đối tượng nghiên cứu mới thấy các triệu chứng thuyên giảm tối đa. Sự cải thiện của 8 bệnh nhân trong số đó tốt đến mức thỉnh thoảng họ mới cần máy hỗ trợ hô hấp, chứ không phải thường xuyên.

Một bệnh nhân đã từng sử dụng liều hàng ngày từ 30mg đến 40mg thuốc steroid Prednisone có thể giảm liều xuống 10mg mỗi ngày. Sau 14 tháng, bệnh nhân vẫn chưa lên cơn cấp tính lần nào. Trong số những bệnh nhân được cải thiện, có 14 người sẵn sàng đưa lại protein từ sữa bò vào chế độ ăn uống.

Năm trong số đó lên cơn hen nghiêm trọng trong vòng một tuần sau khi sử dụng lại sữa bò; một người phải nhập viện và điều trị bằng liệu pháp steroid.

Không phải lúc nào sữa bò cũng cần thông qua đường ăn uống để gây ra phản ứng hen suyễn. Trong một trường hợp được báo cáo trên tạp chí Allergy (tạm dịch: Dị ứng), một nữ công nhân tại nhà máy sản xuất chocolate đã bị bệnh “hen suyễn nghề nghiệp” sau khi cô hít phải bột sữa khô mình phết lên bánh kẹo. Sau năm năm chịu đựng, câu chuyện rõ ràng hơn khi tình trạng của cô cứ thuyên giảm vào buổi tối và cuối tuần. Xét nghiệm cho thấy cô đã có phản ứng với protein lactalbumin trong sữa khô tại nơi làm việc.

Joseph Keon/ Skybooks & NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-lien-he-giua-hen-suyen-va-sua-cong-thuc-o-tre-nho-post1486772.html