Mối liên quan giữa hội chứng 'trái tim tan vỡ' và ung thư
Ung thư có thể làm tan vỡ trái tim của bạn? Một nghiên cứu mới cho thấy có mối liên hệ giữa ung thư và một tình trạng gọi là hội chứng 'trái tim tan vỡ'.
Nghiên cứu được công bố trên tờ Journal of the American Heart Association thấy rằng 1/6 số người mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” bị ung thư và những bệnh nhân này đặc biệt dễ bị tử vong trong vòng 5 năm, so với bệnh nhân mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” không bị ung thư .
Hội chứng “trái tim tan vỡ”, còn được gọi là bệnh cơ tim do stress hoặc bệnh cơ tim takotsubo, là một tình trạng tạm thời có thể gây ra bởi các tình huống stress. Trong hội chứng “trái tim tan vỡ”, một phần của tim ngừng bơm máu bình thường, có thể khiến phần còn lại của tim bơm máu mạnh hơn.
Một nghiên cứu từ năm 2018 cho thấy những bệnh nhân chẩn đoán mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” dễ gặp các biến chứng lâm sàng gấp đôi trong khi điều trị nếu họ cũng có tiền sử ung thư. Phát hiện này đã thôi thúc các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ nào giữa hai tình trạng bệnh này hay không.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã xem xét dữ liệu từ Sổ đăng ký Takotsubo quốc tế với hơn 1.600 bệnh nhân mắc hội chứng “trái tim tan vỡ”. Họ thấy rằng 1/6 số này bị ung thư. Trong số những người mắc bệnh ung thư, gần 90% là phụ nữ. Loại ung thư thường gặp nhất là vú, tiếp theo là hệ tiêu hóa, đường hô hấp, cơ quan sinh dục trong, da và các bộ phận khác.
So với những người không bị ung thư, bệnh nhân mắc hội chứng “trái tim tan vỡ” bị ung thư:
• Dễ trải qua tác nhân vật lý so với tác nhân cảm xúc kích hoạt hội chứng “trái tim tan vỡ” gấp đôi.
• Khả năng sống trong 30 ngày sau khi hội chứng bắt đầu là như nhau, mặc dù dễ tử vong hoặc cần hỗ trợ tim và hô hấp tích cực trong bệnh viện hơn.
• Dễ tử vong trong vòng 5 năm sau khi hội chứng bắt đầu.
Nghiên cứu chỉ tìm thấy mối liên quan giữa ung thư và hội chứng “trái tim tan vỡ”; nó không cho thấy cái nào gây ra cái nào. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực cần nghiên cứu thêm.
Hội chứng trái tim tan vỡ
Tình trạng bệnh lý này lần đầu tiên được xác định tại Nhật Bản vào năm 1990, khi các bác sĩ nhận thấy nhiều người có triệu chứng đau tim, nhưng sau khi xét nghiệm kỹ hơn thì không thấy dấu hiệu của cục máu đông gây ra cơn đau tim.
Thay vào đó, tình trạng được kích hoạt khi một tác nhân stress nghiêm trọng - chẳng hạn như tổn thất tài chính, tranh cãi gay gắt hoặc thảm họa tự nhiên - gây ra tổn thương về thực thể cho tim. Bệnh cơ tim xảy ra do buồng bơm máu chính của tim bị giãn tạm thời và không bơm máu tốt. Hội chứng này gây cảm giác giống như cơn đau tim, với đau ngực và khó thở, nhưng không có tổn thương cơ tim và không có tắc nghẽn trong các động mạch vành nuôi dưỡng tim.
Mức độ hoóc-môn stress tăng lên được cho là một trong những yếu tố chính chi phối hội chứng “trái tim tan vỡ”. Và một số chuyên gia tin rằng ung thư cũng có thể đóng một vai trò.