Mỗi mái nhà, một tình thương
Không chỉ là những bức tường gạch, mái ngói, mỗi căn nhà được xây mới, sửa chữa cho hộ nghèo còn mang trong mình hơi ấm của tình người, của nghĩa đồng bào, của một quyết tâm chính trị mạnh mẽ: Không để ai bị bỏ lại phía sau.

Những lúc khó khăn, nghĩa đồng bào ruột thịt của dân tộc ta lại được phát huy, chung tay giúp đỡ bà con vượt qua
• MỘT CHƯƠNG TRÌNH - NHIỀU GIÁ TRỊ
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” giai đoạn 2024 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động, tỉnh Lâm Đồng đã xác định đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là hành động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta.
Ngay sau lễ phát động cấp quốc gia, Lâm Đồng đã tổ chức Lễ phát động phong trào trên toàn tỉnh, với sự hưởng ứng tích cực từ các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tại buổi lễ, hàng tỷ đồng đã được các ngân hàng, doanh nghiệp đóng góp cho quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Đó là tín hiệu khởi đầu cho một phong trào lan tỏa sâu rộng, tiếp sức cho những gia đình khó khăn có thêm niềm tin và động lực vươn lên.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát không đơn thuần là xóa đi những căn nhà cũ kỹ, xiêu vẹo, mà là dựng lên những “mái ấm nghĩa tình”, nơi người nghèo có thể an cư, ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất và dần thoát nghèo bền vững.
Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định: “Không thể để người dân không có chỗ ở hoặc ở trong nhà tạm, nhà dột nát khi đất nước đã qua gần 80 năm độc lập”. Đó không chỉ là mệnh lệnh của trái tim, mà còn là sứ mệnh của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Và ở Lâm Đồng, tinh thần đó đang được cụ thể hóa bằng những con số "biết nói". Tính đến ngày 6/5/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành 1.399 căn nhà (1.088 căn xây mới, 311 căn sửa chữa) cho các hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng, huy động từ nguồn vận động của Quỹ "Vì người nghèo" và các tổ chức, cá nhân. Tổng nhu cầu xóa nhà tạm toàn tỉnh là 1.504 căn. Đến nay, đã hoàn thành 1.372 căn, còn lại 132 căn (102 căn xây mới, 30 căn sửa chữa) đang được các địa phương tập trung thực hiện, với mục tiêu hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Đáng chú ý, nhiều địa phương như TP Bảo Lộc, huyện Lạc Dương, huyện Bảo Lâm đã hoàn thành trước kế hoạch đề ra, khẳng định tinh thần “nói đi đôi với làm” và khả năng huy động sức mạnh cộng đồng hiệu quả.
Thông qua Quỹ "Vì người nghèo", tỉnh Lâm Đồng đã tiếp nhận gần 48 tỷ đồng từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Tỉnh cũng chủ động trích ngân sách hơn 51 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để hỗ trợ xóa nhà tạm - cho thấy rõ nét sự linh hoạt, sáng tạo trong điều hành của chính quyền các cấp.
Thành quả có được là sự kết tinh từ sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự chung tay của MTTQ, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và hàng ngàn tấm lòng người dân.
• THẮP SÁNG NIỀM TIN
Trong năm 2025, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, việc xóa nhà tạm càng trở nên có ý nghĩa. Mỗi căn nhà được xây lên là một lời khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn bên cạnh Nhân dân; sự phát triển kinh tế phải song hành với công bằng và an sinh xã hội. Mỗi mái nhà là một biểu tượng của niềm tin, là nơi khởi đầu cho những ước mơ mới, không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn là sự tiếp sức tinh thần quý giá với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế ở vùng sâu, vùng xa.
Bà Cil Pam Ha Duyên - hộ nghèo ở thôn Lâm Pô, xã Phúc Thọ chia sẻ: "Nhà chúng tôi mừng lắm khi được Nhà nước, bà con lối xóm, đoàn thể quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ để gia đình có căn nhà khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Đây là động lực để gia đình tiếp tục chăm chỉ làm ăn, cố gắng vươn lên trong cuộc sống".
Trong những tháng còn lại của năm 2025, mặc dù bộn bề khó khăn và nhiều nhiệm vụ cấp bách được triển khai, tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình; huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các hộ còn lại; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng xây dựng nhà ở cho các hộ.
Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, Lâm Đồng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, góp phần vào hành trình 1 triệu mái ấm cho người nghèo trên cả nước.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202505/moi-mai-nha-mot-tinh-thuong-6d3001f/