Đại biểu Quốc hội: Thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng tạo đà cho tăng trưởng kinh tế

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đại biểu Quốc hội đề nghị tập trung chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, tiếp tục giãn, hoãn các khoản thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp…

Các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2025. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ về phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2025. (Ảnh: TTXVN)

Thảo luận ở Tổ sáng 23/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, bên cạnh việc đa dạng thị trường xuất khẩu, cần tập trung mạnh các giải pháp để thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng nội địa.

Tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Góp ý nội dung phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đánh giá, năm 2024, kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 cao thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, nếu xét trên thế giới, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới.

Trong quý 1/2025, kinh tế tiếp tục tăng 6,93%, đạt mức cao nhất so với quý 1 các năm trong giai đoạn 2020-2025, tiếp tục cao nhất khu vực ASEAN (theo sau là Phillippines GDP tăng 5,4%; Indonesia là 4,87%; Singapore đạt 3,8% và Thái Lan là 3,1%).

Đặc biệt, về thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2025 ước đạt 944,1 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng cùng năm trước, với con số này sẽ là dư địa rất lớn để thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng. Tuy vậy, để thực hiện tăng trưởng 8%, trong thời gian tới vẫn phải dựa vào 3 trụ cột truyền thống là xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

“Ngay từ đầu năm, xuất khẩu chịu tác động từ chính sách thương mại đối ứng của Hoa Kỳ, do đó để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đàm phán với Hoa Kỳ, mở rộng các thị trường mới cần giữ vững thị trường truyền thống như Trung Quốc,” đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Với thị trường Trung Quốc, ông cho rằng các mặt hàng nông sản cần được kiểm soát chặt chẽ, để nâng giá trị cũng như có “bàn tay” dẫn dắt của Nhà nước về tổ chức sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cần áp dụng chính sách “thưởng xuất khẩu” để khuyến khích các doanh nghiệp nhưng không vi phạm quy định tài trợ bán phá giá.

Đặc biệt, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc giữ vững thị trường nội địa, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, Nhà nước cần áp dụng chính sách tài khóa mở rộng, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng, áp dụng việc giãn thời gian thi hành tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sang năm 2028, đồng thời tiếp tục giãn, hoãn các khoản thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và tăng khách du lịch quốc tế thông qua chính sách miễn thị thực…

“Cần thúc đẩy phát triển kinh tế đêm bằng các chính sách hỗ trợ mặt bằng, miễn thuế, nới lỏng các biện pháp kiểm soát, không giới hạn thời gian các hoạt động kinh tế đêm ở các trung tâm du lịch,” đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Vũng Tàu) đề nghị triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi mô hình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Vũng Tàu) đề nghị triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi mô hình. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Vũng Tàu), trong năm 2024, có hơn 220.000 doanh nghiệp rút lui, tăng 19,4% so với năm trước, riêng quý 1/2025 thêm gần 78.800 doanh nghiệp. Đáng chú ý, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn số gia nhập, cho thấy môi trường kinh doanh tuy có cải thiện về thế chế, đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, giảm VAT… nhưng còn thiếu ổn định và chưa đủ điều kiện thực chất để duy trì niềm tin đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực chi phí đầu vào, khó tiếp cận tín dụng, thị trường thu hẹp và phần lớn doanh nghiệp nhỏ thiếu khả năng chống chịu.

Trước thực trạng đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang tồn tại, thay vì chỉ ưu tiên thu hút mới. Trước mắt, cần mở rộng gói tín dụng ưu đãi có mục tiêu, linh hoạt giãn, hoãn nghĩa vụ thuế, bảo hiểm, đồng thời xây dựng bộ chỉ số cảnh báo sớm nguy cơ rút lui từ dữ liệu thuế, lao động, bảo hiểm xã hội để có chính sách can thiệp kịp thời.

“Về dài hạn, cần triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ chuyển đổi mô hình, số hóa quy trình và thành lập tổ công tác liên ngành cấp tỉnh để theo dõi, phản ứng nhưng với biến động doanh nghiệp,” nữ đại biểu đề xuất.

Trong khi đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) kiến nghị cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, bảo vệ hàng trong nước, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử.

"Nhiều doanh nghiệp bức xúc kêu rằng, họ liên tục bị làm giả thương hiệu và sản phẩm trên một số sàn thương mại điện tử. Thậm chí, có tình trạng gian thương lợi dụng khuyến mãi để tiêu thụ hàng kém chất lượng, trong đó có rất nhiều hàng hóa nhập khẩu giá rẻ bán online tràn vào Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho uy tín và doanh thu của các cơ sở sản xuất chính hãng trong nước,” ông dẫn chứng.

Trên cơ sở đó, ông đề xuất Chính phủ chỉ đạo ban hành quy định với các nội dung chặt chẽ hơn, như: bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải xác thực danh tính người bán” bằng mã số thuế, căn cước công dân và chịu trách nhiệm liên đới nếu để hàng giả tồn tại quá 24h sau khi có cảnh báo. Hoặc có hình thức xử lý mức phạt cao đối với các sàn thương mại điện tử cố tình cho tồn tại các gian hàng có hàng hóa vi phạm, nhưng gian hàng đó vẫn tồn tại bằng vỏ bọc mới, với số lượt bán loại hàng hóa đó vẫn duy trì…

Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết

Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững nằm trong tổng thể chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là giải pháp hữu hiệu giúp người trồng trọt, chăn nuôi sản xuất ổn định, nâng cao chất lượng cũng như năng suất, đem lại nguồn thu lớn cho bà con nông dân.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan (đoàn Hà Nội), hiện nông sản là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng bất cập lớn nhất là khâu chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và tổ chức thương mại nên phần lớn nông sản đang xuất khẩu dạng thô, bán ở phân khúc thị trường giá thấp. “Nếu không cải thiện được hiện trạng này sẽ rất khó khắc phục được tình trạng “được mùa rớt giá,” đại biểu nhấn mạnh.

Nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng xuất khẩu nông sản năm 2024 mặc dù đạt con số ấn tượng, nhưng Việt Nam cũng phải chi phí rất nhiều cho việc nhập nguyên liệu cho sản xuất, điều đó có nghĩa, giá trị thặng dư lớn, nhưng thực chất mang lại lợi ích cho người nông dân chưa nhiều, chủ yếu nguồn lợi ích này lại chảy ra nước ngoài, thông qua việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu, vật tư.

Do vậy, đại biểu đề nghị thời gian tới các chính sách cần tập trung để thúc đẩy mạnh mẽ cho nông nghiệp, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời rà soát lại để phát huy các ngành có lợi thế của địa phương, hình thành các vùng nguyên liệu ổn định và đủ lớn.

“Việc tổ chức sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường, tập trung khâu chế biến, hạn chế tối đa xuất khẩu nông sản thô, hình thành và phát triển đa dạng hình thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững, ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc..., có chính sách đột phá để thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào ngành chế biến nông sản,” đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đăk Nông), trước biến động của thương mại toàn cầu, gây áp lực cho chuỗi cung ứng và ảnh hưởng tới dòng chảy lưu thông hàng hóa, Việt Nam cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đặc biệt khai thác tối đa tiềm năng của thị trường Trung Đông và thị trường Halal, tận dụng các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề xuất các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến việc triển khai các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, cải thiện mức sống của người dân nông thôn. Điều này góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-thuc-day-dau-tu-va-tieu-dung-tao-da-cho-tang-truong-kinh-te-post1040238.vnp