Mới mở ngành Luật, trường ĐH làm gì để thu hút sinh viên?

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh là hai trường có đào tạo ngành Luật và Luật Kinh tế.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay, dù điểm chuẩn đầu vào (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông) ngành Luật và Luật kinh tế luôn cao nhưng số lượng thí sinh đăng ký theo học cũng rất đông.

Theo thống kê từ một số trường đại học đào tạo những ngành có liên quan đến Luật, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp luôn ở mức rất cao, thường đạt tỷ lệ trên 92%.

Trường đại học đầu tư gần 500 triệu đồng cho phòng diễn án

Năm nay là năm thứ hai, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HCMUTE) sẽ tuyển sinh ngành Luật. Vào năm 2023, dù là lần đầu tiên ra mắt, nhưng ngành Luật của trường cũng tuyển được gần 60 em.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng, Trưởng khoa Chính trị và Luật của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù là một ngôi trường có đào tạo ngành Luật còn non trẻ so với nhiều trường đại học khác, nhưng HCMUTE luôn dành sự quan tâm, đầu tư cho ngành Luật.

Một phiên tòa giả định tại Phòng diễn án, Khoa Chính trị và Luật của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: khoa cung cấp)

Trường dành gần 500 triệu đồng để xây dựng một phòng diễn án dành cho sinh viên thực hành. Phòng này được thiết kế như là một phòng xét xử thật ở tòa, với đầy đủ các tiện nghi cần thiết.

Đây sẽ là nơi diễn ra các phiên tòa giả định, nơi ghi nhận các nghiệp vụ giả định của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký, Kiểm sát viên, Luật sư, đội ngũ hỗ trợ tư pháp.

Đội ngũ giảng viên của Khoa Chính trị và Luật là các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn, tiếp cận được các vấn đề nóng hiện nay với nhiều phương pháp giảng dạy tích cực như phương pháp dạy học theo dự án, phương pháp tình huống.

Hiện nay toàn khoa có 32 giảng viên, trong đó có 4 phó giáo sư, 14 tiến sĩ, 14 thạc sĩ – nghiên cứu sinh. Khoa còn có một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm thực tiễn đứng lớp giảng dạy.

Chương trình đào tạo ngành Luật của HCMUTE luôn mang tính mới mẻ, hiện đại, có học hỏi kinh nghiệm chương trình từ các trường đại học trong nước và trên thế giới. Việc đào tạo của khoa luôn gắn liền với những yêu cầu của thực tiễn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ nhanh chóng thích nghi với những yêu cầu của công việc trên thực tế.

Khoa Chính trị và Luật luôn chú trọng phát triển kỹ năng, phẩm chất, phát huy thế mạnh của từng sinh viên trong quá trình học tại trường, nhất là những kỹ năng thiết yếu để làm việc trong môi trường doanh nghiệp chuyên về kỹ thuật.

Một hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật năm 2023 của khoa Chính trị và Luật (ảnh: khoa cung cấp)

Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành Luật của trường còn dành gần 30% học phần chuyên sâu về việc nâng cao kỹ năng hành nghề Luật như học phần nhập môn ngành Luật (cung cấp cho sinh viên tổng quan về nghề luật, về chương trình đào tạo, định hướng nghề nghiệp, các kỹ năng cần thiết cho việc học và thực hành nghề), học phần tư duy hệ thống (trang bị người học các kỹ năng tư duy và tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hình thành ở người học khả năng lập luận và giải quyết vấn đề một cách hệ thống, logic và sáng tạo), học phần về kỹ năng quản trị văn phòng, kỹ năng đàm phán và soạn thảo hợp đồng, kỹ năng nghiên cứu và phân tích án lệ trong vụ án, kỹ năng tư vấn trong lĩnh vực dân sự, thương mại, sở hữu trí tuệ, các học phần thực hành nghề luật, thực tập, các buổi chia sẻ pháp lý của những chuyên gia pháp lý, luật sư giàu kinh nghiệm.

Ngoài ra, trong mỗi học phần lý thuyết đều tích hợp việc thực hành, vận dụng các kiến thức lý thuyết trong các giờ thảo luận, nghiên cứu bản án, giải quyết các tình huống có liên quan.

Sinh viên theo học ngành Luật của HCMUTE sẽ được học trong môi trường cơ sở vật chất hiện đại, với đầy đủ các trang thiết bị học mới nhất.

Trường còn có Trung tâm thực hành pháp luật, có chức năng tổ chức thực hành, tư vấn, thực hành tố tụng thông qua các phiên tòa giả định), thực hiện các hoạt động cộng đồng phục vụ cho nhà trường như tổ chức tuyên truyền pháp luật, hỗ trợ tư vấn pháp lý, giúp cho nhiều sinh viên có cơ hội làm việc thực tiễn, nâng cao các kỹ năng thiết yếu và áp dụng được các kiến thức đã học.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan Nhà nước (Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án, Ủy ban Nhân dân các cấp…), hoặc làm việc tại các tổ chức chính trị xã hội, văn phòng luật sư, công ty luật, hay làm việc tại các doanh nghiệp (bộ phận pháp chế, hành chính nhân sự), các tổ chức xã hội trong và ngoài nước hay thực hiện nghiên cứu, giảng dạy ở các cơ sở giáo dục.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, liệu việc học luật tại những trường đại học không có truyền thống đào tạo ngành luật thì có khó xin việc?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng nhấn mạnh rằng, hoàn toàn không khó xin việc. Cơ hội luôn chia đều cho tất cả các sinh viên khi tốt nghiệp.

Thế nhưng, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng, dù nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho ngành Luật rất cao, nhưng sinh viên trước khi tốt nghiệp vẫn phải được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết cùng với có một trình độ ngoại ngữ tốt, bởi sự cạnh tranh trong bất kỳ ngành nghề nào cũng rất phổ biến.

Chương trình đào tạo 2 năm cập nhật 1 lần

Là một trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công thương, nhưng Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (HUIT) cũng đã mở ngành đào tạo Luật Kinh tế được 5 khóa, trong đó đã có 1 khóa sinh viên đã được tốt nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Nam Hà, Trưởng bộ môn Luật, Khoa Chính trị - Luật của HUIT nói rằng, trung bình một khóa, trường tuyển được khoảng 300 em theo học ngành Luật kinh tế.

Một giờ học của sinh viên Khoa Chính trị - Luật Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Đối với khóa đầu tiên, đã có 58/62 sinh viên tốt nghiệp. Trong số này, nhiều em sinh viên đã đi làm chuyên viên pháp lý ở các doanh nghiệp, văn phòng luật sư, thư ký phòng công chứng với mức lương cao.

Hiện giảng viên của khoa có đến 12/35 thầy cô đạt trình độ tiến sĩ, còn lại đều là thạc sĩ, sẵn sàng đáp ứng được các yêu cầu công việc của khoa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nam Hà, điểm lợi thế nhất khi các em tham gia học ngành Luật Kinh tế chính là các giáo trình, chương trình đào tạo luôn được cập nhật các kiến thức, kỹ năng kịp thời.

“Nhà trường chỉ mới bắt đầu đào tạo ngành này từ năm 2019, nhưng đến nay đã có 2 lần cập nhật lại chương trình” – Tiến sĩ Nguyễn Nam Hà cho hay.

Một phiên tòa giả định của sinh viên Khoa Chính trị - Luật (ảnh: CTV)

Ngoài ra, bộ chuẩn đầu ra của chương trình được xây dựng dựa trên nền của chuẩn đầu ra khung năng lực trình độ quốc gia, bộ chuẩn đầu ra chung của toàn trường.

Khi xây dựng chương trình, nhà trường định hướng rất rõ ràng cho sinh viên là ngoài những môn học bắt buộc, thì sinh viên nào muốn khi tốt nghiệp ra làm ở khu vực công sẽ học những môn khác với những em định hướng ra đi làm ở khu vực tư nhân.

Tiến sĩ Nguyễn Nam Hà khẳng định, các em sinh viên luôn được định hướng nghề nghiệp rõ ràng ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, phân môn học hợp lý.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/moi-mo-nganh-luat-truong-dh-lam-gi-de-thu-hut-sinh-vien-post241453.gd