Mỗi môn 9 điểm khó vào ngành y

Những năm qua khối ngành sức khỏe luôn được xem là một trong những ngành 'hot' nhất, khi điểm đầu vào luôn nằm trong top đầu và chỉ số ít trường đại học được đào tạo.

Mỗi môn 9 điểm vẫn khó vào ngành y

Đó chỉ có thể là ngành Y khoa của những trường đào tạo hàng đầu như Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y Hà Nội và ĐH Y dược Huế với điểm chuẩn lần lượt là 27,55; 28,15 và 28,25 trong mùa tuyển sinh năm 2022.

Như vậy, với ngành này, ở phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, mỗi môn 9 điểm thí sinh có thể vẫn chưa đậu đại học.

Cụ thể, điểm chuẩn của Đại học Y dược TP.HCM năm 2022 xét theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT là 27,55 điểm. Ở phương thức kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm chuẩn ngành Y khoa ở mức 26,6 điểm. Ngành Răng - Hàm - Mặt của trường có điểm chuẩn là 27 ở phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT, với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, ngành Y khoa có điểm chuẩn 26,25 điểm; ngành Y học cổ truyền là 24,2 điểm; ngành Y học dự phòng là 23,35 điểm. Các ngành đào tạo về Dược, Kỹ thuật y học… cũng trên 20 điểm chuẩn đầu vào.

Trong khi đó, năm 2021 điểm chuẩn ngành Y khoa của trường có điểm chuẩn cao nhất với 28,2 điểm. Ở phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT của trường cũng luôn nằm trong top những ngành có điểm rất chuẩn cao.

Điểm đầu vào của ngành Y khoa luôn ở top đầu trong mỗi kỳ tuyển sinh đại học hàng năm

Điểm đầu vào của ngành Y khoa luôn ở top đầu trong mỗi kỳ tuyển sinh đại học hàng năm

Ở những trường khác, khối ngành sức khỏe cũng luôn đứng đầu trong danh sách điểm đầu vào. Hai ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2022 có điểm chuẩn cao nhất trường, cùng 26,65 điểm. Các ngành khác cũng có mức điểm rất cao như Dược học là 25,45; Kỹ thuật xét nghiệm y học 24,85 điểm. Hầu hết các ngành khác cũng lấy từ 20 điểm trở lên.

Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có điểm chuẩn ngành Y khoa ở mức 25,6-26,45. Riêng ngành Y khoa (chất lượng cao) có điểm chuẩn 26,45 (phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT) và 25,6 (phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh).

Còn ở trường Đại học Hồng Bàng, khối ngành sức khỏe cũng đứng đầu về điểm chuẩn đầu vào khi ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt cùng lấy 22 điểm. Còn Y học cổ truyền, Dược học lấy 21 điểm…

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất với 25 điểm, ngành dược đứng thứ 2 với 21 điểm.

Nhu cầu đầu vào cao nhưng đào tạo còn nhiều khó khăn

Theo ông Nguyễn Thanh Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - hiện là chủ tịch hội đồng hiệu trưởng khối ngành sức khỏe thì TP.HCM có 6 trường đào tạo khối ngành này, gồm: Trường đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ TP.HCM và Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ngoài ra, còn có Khoa Y (Thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM).

Nỗi lo về chất lượng đào tạo, tay nghề cho sinh viên khiến nhiều cơ sở đào tạo bác sĩ không dám tăng chỉ tiêu

Nỗi lo về chất lượng đào tạo, tay nghề cho sinh viên khiến nhiều cơ sở đào tạo bác sĩ không dám tăng chỉ tiêu

Là một trong những cơ sở đào tạo chuyên về khối ngành sức khỏe, theo GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Trưởng Khoa Y (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), khoa được thành lập vào năm 2009 và năm 2012 bắt đầu tuyển sinh viên ngành Y khoa. Đến nay khoa đã đào tạo 5 ngành khác nhau với hơn 1.500 sinh viên đang theo học.

Ông cho biết, nhu cầu đầu vào khối ngành này rất cao, thể hiện qua mức tỉ lệ "chọi" luôn ở mức 9-10 "chọi" 1.

Lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào khoa luôn cao nhưng nhiều năm nay Khoa Y luôn giữ mức chỉ tiêu của các ngành ở mức thấp để đảm bảo chương trình đào tạo vì đây là nhóm ngành đặc biệt, không thể mở ồ ạt.

Riêng như ngành Y khoa, nhiều năm nay khoa chỉ giữ mức chỉ tiêu tuyển sinh ở 100 sinh viên/khóa.

"Nếu chúng tôi tăng chỉ tiêu lên 200, 300 em mỗi đợt tuyển để có nguồn thu nhập cũng được. Nhưng nếu sinh viên quá đông thì tương tác trong lớp học không có, phá vỡ mô hình các nhóm nhỏ, chất lượng đào tạo giảm sút", GS.TS. BS. Đặng Vạn Phước nói.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm theo đúng chuyên ngành cũng đạt 80-90% (bao gồm cả những em đi học tiếp sau đại học).

Về đào tạo nhân lực ngành y tế, GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết, nhu cầu đầu vào rất cao nhưng nếu tuyển sinh quá đông thì khó đảm bảo chất lượng. Theo ông cần phải có chính sách tổng thể trong việc tuyển sinh giữa tất cả các trường đào tạo khối ngành này.

Ngoài ra, các trường y cũng gặp khó khăn về giảng viên, như Đại học Y dược TP.HCM, riêng khoa Y hiện có 600 giảng viên, trong đó hầu hết đã được đào tạo phương pháp sư phạm nhưng vẫn không đủ.

"Mặc dù chúng ta dạy rất nhiều, nhưng dạy đúng cách dạy của ngành y lại là cả một vấn đề. Hiện nay nhiều nước trên thế giới họ đã tổ chức các hội nghị riêng dành cho ngành y để trao đổi những kiến thức, mô hình mới cả trong đào tạo và làm việc thực tế", ông Tuấn chia sẻ.

Tại trường này còn có Đơn vị đào tạo ngành y để đào tạo lại giảng viên về cách giảng dạy, xây dựng chương trình. Dù vậy, về giảng viên thì ông cho rằng "không bao giờ đủ" giảng viên cơ hữu, mà phải có giảng viên thỉnh giảng của các bệnh viện.

Ngoài ra, vấn đề thực hành của sinh viên ở các bệnh viện thực hành cũng là một điểm khó, khiến cho nhiều trường không dám tuyển nhiều dù nhu cầu đầu vào luôn ở mức cao.

Nguyễn Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/moi-mon-9-diem-kho-vao-nganh-y-169230708080204648.htm