Mới: Mức sinh tăng cao trở lại ở 33 địa phương, nhưng lại có 21 địa phương mức sinh quá thấp
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế, tại nhiều địa phương trước đây đã đạt mức sinh thay thế nay tăng rất cao trở lại, song cũng có 21 tỉnh, thành phố mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế...
Nhân ngày Dân số Thế giới 11-7, hôm nay Tổng cục Dân số - Bộ Y tế đã thông tin về tình hình thực hiện công tác dân số trong nước trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, cơ quan này cho biết, sau gần 50 năm nỗ lực, Việt Nam đã đạt mức sinh thế vào năm 2006 với tổng tỷ suất sinh (TFR) =2,09 con/phụ nữ và duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, ở nửa đầu năm nay, trong 6 vùng kinh tế - xã hội thì 4 vùng có mức sinh cao trên mức sinh thay thế (Trung du miền núi phía Bắc là 2,41 con, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 2,31 con, Tây Nguyên 2,41 con, Đồng bằng sông Hồng 2,34 con);
Ngược lại, có 2/6 vùng đạt dưới mức sinh thay thế (Đồng bằng Sông Cửu Long là 1,82 con, Đông Nam Bộ là 1,62 con)... Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (Trung du miền núi phía Bắc- Tây Nguyên) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,79 con.
Cụ thể, có đến 33/63 tỉnh/ thành phố, phần lớn là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, có mức sinh trên 2,2 con, thậm chí nhiều tỉnh thành mức sinh còn rất cao trên 2,5 con;
Có 21 tỉnh/thành phố có mức sinh dưới 2,0 con và chỉ có 9 tỉnh thành có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế (từ 2,0 đến 2,2 con)... Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất (Hà Tĩnh với TFR = 2,97 con) và nơi thấp nhất (TP. Hồ Chí Minh với TFR = 1,35 con) là 1,62 con.
Đáng chú ý, tại một số nơi trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại như: Khu vực nông thôn bình quân từ 2,11 con (năm 2010) nay tăng lên 2,29 con (năm 2020); riêng đồng bằng sông Hồng mức sinh từ 2,04 con (năm 2010) lên 2,34 con (năm 2020).
Một số tỉnh thành thuộc vùng mức sinh thay thế có mức sinh biến động tăng cao trên 2,2 con vào năm 2020 như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Bình Phước...
Cũng theo Tổng cục Dân số, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Việt Nam hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng. Năm 2020, 5/6 vùng kinh tế - xã hội ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề MCBGTKS, chỉ có Tây Nguyên ở mức cân bằng với TSGTKS là 106, còn vùng đồng bằng sông Hồng vẫn là khu vực xảy ra tình trạng MCBGTKS ở mức cao nhất (113,6).
Về già hóa dân số, Tổng cục Dân số cho biết, năm 2011 nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số; năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi chiếm 11,86% dân số. Theo dự báo tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,10% vào năm 2049.
Hiện nước ta là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Cụ thể, số lượng người cao tuổi Việt Nam tăng nhanh từ 7,67 triệu năm 2009 lên 11,4 triệu năm 2019. Theo dự báo đến năm 2030, người cao tuổi ở nước ta khoảng 18 triệu chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.
Đáng chú ý là người cao tuổi nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc 3 bệnh phải điều trị suốt đời. Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của người cao tuổi...
Vì thế, sắp tới, Tổng cục Dân số sẽ có những hoạt động rà soát chuyên môn để đề xuất xây dựng chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.