Mỗi năm có 2 triệu cú sét đánh, Việt Nam nằm trong vùng tâm giông lớn nhất thế giới
Việt Nam nằm ở khu vực tâm giông của châu Á, một trong ba tâm giông lớn nhất thế giới.
Tại sao thời gian vừa rồi ở các tỉnh miền Bắc xảy ra nhiều trường hợp giông sét gây tử vong?
Trả lời câu hỏi này, Dự báo viên Phòng Dự báo Số trị Viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Thị Thanh Bình, cho biết đó là do tổng hợp nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do Việt Nam nằm ở khu vực tâm giông của châu Á, đây cũng là một trong ba tâm giông lớn nhất thế giới.
“Người ta thống kê ở Việt Nam trung bình mỗi năm có 2 triệu cú sét đánh xuống. Số sét này không rải đều vào các tháng trong năm mà tập trung vào tháng 4, 5, qua mùa hè đến giai đoạn chuyển tiếp mùa hè sang mùa thu” - bà Bình cho biết.
Trong tháng 7, cả nước đã xảy ra 6 trận mưa lớn; 36 trận mưa dông, lốc, sét; 16 vụ sạt lở bờ sông; 5 trận động đất; 5 trận gió mạnh trên biển.
Thiên tai trong tháng 7 đã làm 19 người chết, mất tích; 8 người bị thương (chưa bao gồm 15 thuyền viên/tàu cá Bth-97478 TS Bình Thuận bị mất liên lạc từ ngày 10-7). Ngoài ra gây thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 23,4 tỉ đồng.
Tính chung 7 tháng đầu năm, thiên tai làm 87 người chết, mất tích, 48 người bị thương; (chưa bao gồm 15 thuyền viên/tàu cá Bth-97478 TS Bình Thuận bị mất liên lạc từ ngày 10-7); đồng thời gây thiệt hại kinh tế ước khoảng hơn 4.000 tỉ đồng.
(Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai)
Năm nay, miền Bắc mưa nhiều hơn mọi năm, vì vậy tần suất xuất hiện các cơn mưa nhiều hơn. Theo Dự báo viên Nguyễn Thị Thanh Bình, mưa này xuất phát từ các đám mây, và các đám mây gây mưa mùa hè hầu hết là mây đối lưu, ngoài khả năng gây ra mưa rào còn có khả năng gây ra giông, sét, tố lốc.
Đó là nguyên nhân về mặt tự nhiên, về mặt con người, rất nhiều người dân còn có tâm lý chủ quan.
Tiếp tục chia sẻ, bà Bình cho hay đã theo dõi nhiều trường hợp tử vong do giông sét và thấy rằng có đến 80% tử vong do giông sét đều vi phạm nguyên tắc an toàn cơ bản. Ví dụ, khi có giông sét, các chuyên gia đã khuyến cáo ở trong nhà thì đóng các cửa sổ, cửa ra vào, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết. Ở ngoài, tránh xa các vật dụng bằng kim loại.
“Tuy nhiên, tôi thấy rằng người dân vẫn sử dụng rất nhiều điện thoại thông minh trong thời điểm có giông sét” - bà Bình nói và dẫn chứng tại Cao Bằng, vào tháng 5 đã có trường hợp sét đánh khiến nạn nhân tử vong ngay trên giường ngủ của mình.
Theo đó, nạn nhân sử dụng điện thoại vào buổi tối, theo thói quen sạc điện thoại và vẫn để điện thoại trên đầu giường rồi sét đánh theo đường dây điện vào điện thoại. Điện thoại nổ và nạn nhân tử vong.
Hoặc năm 2020, một công nhân ở Hà Nội vừa sạc điện thoại vừa sử dụng, giông sét đến đánh vào đường dây điện, sau đó nạn nhân cũng tử vong.
Trước đó, năm 2019 cũng có hai trường hợp chết vì giông sét khi sử dụng điện thoại khi đang sạc.
"Chúng tôi khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Vì có những hiện tượng chưa xảy ra, nhưng không có nghĩa là không xảy ra, nên xin đừng chủ quan" - bà Bình nhấn mạnh.
Dự báo về tình hình thời tiết, thiên tai thời gian tới, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện đang giai đoạn giữa tháng 7, sang tháng 8 mưa nhiều hơn. Tháng 9, 10 là cao điểm mùa bão, có gió mạnh, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.
Ba, bốn tháng sắp tới xuất hiện tổ hợp của rất nhiều thiên tai, vì vậy Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đề nghị bà con hãy chú ý theo dõi những bản tin dự báo, cảnh báo để có sự ứng phó thích hợp.