Mỗi ngày đi 10.000 bước?
10.000 bước mỗi ngày đã trở thành tiêu chuẩn vàng đối với nhiều người. Nhưng đó là một con số lớn khó có thể đạt được. Khi mọi người tiếp tục không đạt được năm chữ số, cuối cùng một số người sẽ bỏ nỗ lực hoàn toàn.
TS I-Min Lee là giáo sư Y khoa tại Đại học Harvard, đồng thời là nhà nghiên cứu về hoạt động thể chất đã cùng cộng sự nghiên cứu để trả lời các câu hỏi: đi bao nhiêu bước một ngày có liên quan đến việc giảm tỷ lệ tử vong? Cường độ bước có tạo ra sự khác biệt về tỷ lệ tử vong khi mọi người thực hiện cùng một số bước không?
TS Lee phát hiện ra rằng nguồn gốc của con số 10.000 bước có từ năm 1965, khi một công ty Nhật Bản chế tạo một thiết bị có tên Manpo-kei, có nghĩa là “máy đo 10.000 bước”.
TS Lee nói: “Cái tên là một công cụ tiếp thị. Nhưng con số này đã ăn sâu vào nhận thức về sức khỏe của chúng ta (nó thường là cài đặt mặc định trong các thiết bị theo dõi thể dục)”.
Nghiên cứu đã xem xét 16.741 phụ nữ từ 62 đến 101 tuổi (tuổi trung bình là 72). Từ năm 2011 đến 2015, tất cả những người tham gia đều đeo thiết bị theo dõi được gọi là máy đo gia tốc trong giờ thức giấc. Câu hỏi trọng tâm: tăng số bước có liên quan đến ít tử vong hơn không?
Những phát hiện chính từ nghiên cứu bao gồm:
Phụ nữ ít vận động đi trung bình 2.700 bước mỗi ngày.
Những phụ nữ đi trung bình 4.400 bước mỗi ngày đã giảm 41% tỷ lệ tử vong.
Tỷ lệ tử vong được cải thiện dần dần trước khi chững lại ở mức xấp xỉ 7.500 bước mỗi ngày.
Vì vậy, nếu tỷ lệ tử vong là mối quan tâm chính của bạn, thì nghiên cứu này cho thấy bạn có thể thu được lợi ích từ 7.500 bước mỗi ngày. Đó là số bước ít hơn 25% so với mục tiêu phổ biến hơn là 10.000 bước.
TS Lee lưu ý rằng nghiên cứu này được thiết kế để chỉ xem xét hai yếu tố. Một là tỷ lệ tử vong - không phải bất cứ điều gì liên quan đến chất lượng cuộc sống, chức năng nhận thức hoặc tình trạng thể chất.
Vì vậy, nghiên cứu cụ thể này không cho chúng ta biết có bao nhiêu bước cần nhắm đến để tối đa hóa chất lượng cuộc sống của chúng ta hoặc giúp ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức hoặc các bệnh về thể chất.
Câu hỏi thứ hai mà TS Lee hy vọng có thể trả lời là liệu cường độ của các
bước mà một người thực hiện có quan trọng hay không. Câu trả lời là cường độ không ảnh hưởng đến tỷ lệ giảm tử vong.
Từ nghiên cứu trên, các chuyên gia khuyến nghị:
Nếu bạn là người ít vận động, hãy đi thêm 2.000 bước hằng ngày nữa để có trung bình ít nhất 4.400 bước. Mặc dù 2.000 bước tương đương với 1,5km, nhưng không cần thiết phải đi bộ tất cả cùng một lúc
. Chúng ta có thể tăng cường đi bộ bằng cách: đi thang bộ thay vì thang máy; đậu xe ở chỗ trống đầu tiên mà bạn nhìn thấy, không phải chỗ gần lối vào nhất; xuống xe buýt sớm hơn một điểm dừng so với điểm đến của bạn.
TS Lee nói: “Những điều nhỏ nhặt đó cộng lại với nhau trở thành con số lớn hơn. Đừng bị con số 10.000 làm cho sợ hãi hoặc nản lòng”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/moi-ngay-di-10-000-buoc.html