Mỗi nghệ sĩ, một sứ giả văn hóa

Những ngày này, một sự kiện văn hóa đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đang diễn ra ở nước ta. Đó là Liên hoan Múa quốc tế - 2024, từ ngày 17 đến 22/8 tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Với thông điệp “Hội tụ, sáng tạo - cùng nhau tỏa sáng”, Liên hoan Múa quốc tế 2024 đã hội tụ gần 500 nghệ sĩ, diễn viên của 17 đơn vị nghệ thuật đại diện cho 9 quốc gia gồm: Lào, Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Campuchia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Malaysia và nước chủ nhà Việt Nam.

Tiết mục múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam ngay sau lễ khai mạc.

Tiết mục múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam ngay sau lễ khai mạc.

Với nghệ thuật múa, dù là múa dân gian hay đương đại, chủ nhà Việt Nam ta đều “có duyên” khi đã sẵn lực lượng diễn viên múa hùng hậu, được đào tạo bài bản, không chỉ trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mà kể cả trong các lực lượng vũ trang. Mà những năm qua, khi đời sống kinh tế đã khá hơn, ai đi về các vùng sâu, vùng xa cũng vẫn thấy chị em say sưa với phong trào dân vũ.

Dân vũ thì tự phát là chính, cũng chưa đạt đến những tiêu chí vốn đòi hỏi cao của nghệ thuật múa, nhưng từ những hoạt động văn hóa phong trào tương tự như vậy để thấy dân ta vốn yêu thích văn hóa văn nghệ. Cái nôi của ngành múa Việt Nam cũng phôi thai từ đấy.

Nhân chuyện liên hoan múa để nói rõ hơn là ngành múa của Việt Nam ta đã có bề dày 65 năm hình thành và phát triển. Ngày 25/10/1959, Trường Múa Việt Nam chính thức được thành lập và ngay sau đó, trong hai năm 1960 và 1961, trường đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ nghệ sĩ múa chuyên nghiệp cho đất nước nhằm góp phần đắc lực vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày 3/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg thành lập Học viện Múa Việt Nam trên cơ sở Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Trong suốt hành trình thành lập và phát triển, đây là cái nôi đã đào tạo ra hơn 100 khóa trình độ trung cấp và cao đẳng của các ngành diễn viên múa, biên đạo múa, huấn luyện múa. Nhà trường cũng đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, cùng các giải thưởng văn học nghệ thuật, giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Những điều đó thể hiện rõ: dẫu còn vô vàn khó khăn nhưng qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước ta đều quan tâm đến các hoạt động văn hóa, trong đó có cả ngành múa. Chiến lược về phát triển văn hóa cũng được khẳng định trong các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (tổ chức năm 2021) khi khẳng định rõ sẽ xây dựng một nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Điều này cũng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm - Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo chủ trì cuộc họp mới đây của Thường trực Tiểu ban Văn kiện để cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị đã được Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII thông qua.

Hơn cả việc đua tài, Liên hoan Múa quốc tế - 2024, sắp tới đây còn có Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 (tổ chức vào tháng 10/2024), đều là những dịp để giới thiệu, quảng bá giá trị nghệ thuật của Việt Nam tới bạn bè quốc tế; là cơ hội để học hỏi, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm từ các đơn vị quốc tế trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật. Và sâu xa hơn, thì đây đều là những sự kiện văn hóa nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và các nước trên thế giới; là những hoạt động nằm trong chiến lược về ngoại giao văn hóa - một trong những trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, văn hóa là lĩnh vực đã được nhiều quốc gia sử dụng như một công cụ đắc lực của “quyền lực mềm”. Hầu hết các nước đều có chính sách truyền bá văn hóa ra nước ngoài, qua đó thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại. Qua ngoại giao văn hóa, các quốc gia mở rộng ảnh hưởng của mình đối với thế giới.

Ở nước ta, cụm từ “ngoại giao văn hóa” lần đầu tiên được sử dụng, được đặt vị trí ngang hàng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế là trong văn kiện của Đại hội XI của Đảng (tháng 1/2011), trong đó xác định chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”. Tiếp đó, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg, ngày 14/2/2011, nhấn mạnh quan điểm: “Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam”.

Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2021 cũng đã đặt mục tiêu “sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội”.

Từ những nhận thức này để thấy, văn nghệ sĩ và hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung, cũng như các diễn viên, nghệ sĩ múa nói riêng trong Liên hoan Múa quốc tế - 2024, đều đang thực hiện sứ mệnh cao cả của mình như một sứ giả trong hoạt động đối ngoại văn hóa. Sứ mệnh ấy chính là đưa đến cho công chúng nước nhà và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về một nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc dân tộc và đang trên bước đường không ngừng hiện đại hóa.

Lương Duy Cường

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/moi-nghe-si-mot-su-gia-van-hoa-i741189/