Mỗi người Việt Nam là một 'đại sứ' cho hàng Việt Nam tại nước ngoài
Thương hiệu quốc gia không phải chỉ là một danh xưng, một logo, đằng sau đó là sự đóng góp từ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp trong việc xây dựng niềm tin thị trường.
"Bên cạnh các yếu tố như kinh tế, xã hội thì thương hiệu của mỗi doanh nghiệp chính là những viên gạch để xây dựng nên thương hiệu quốc gia trên thị trường thế giới," TS. Nguyễn Quốc Thịnh nhận định tại cuộc tọa đàm trong khuôn khổ Tuần lễ thương hiệu quốc gia 2022.
Một quốc gia càng có nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tốt thì thương hiệu quốc gia đó càng được đánh giá cao. Ngược lại, thương hiệu quốc gia sẽ giúp gây dựng ấn tượng tốt ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Thịnh nói.
Chương trình xây dựng Thương hiệu Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng được hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Tại Tuần lễ Thương hiệu quốc gia năm nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về thương hiệu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp lan tỏa, nâng cao vị thế giá trị thương hiệu của mình.
Chương trình năm nay cũng mạnh hướng tới việc thành lập hệ sinh thái phát triển thương hiệu, trong đó, một yếu tố quan trọng chính là vai trò của những doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài.
Đại diện cho khối này, ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nghiệp người Việt Nam tại Châu Âu cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tích cực trong giới thiệu và đưa hàng Việt Nam tới các thị trường nước ngoài để phát triển thương hiệu.
Thông qua việc đưa hàng Việt Nam vào bày bán tại các trung tâm thương mại, khu triển lãm, khu chợ do người Việt Nam làm chủ tại các nước như Ba Lan, Đức, Nga, Hàn Quốc… để hàng Việt Nam tăng độ nhận diện, tiếp cận gần hơn người tiêu dùng nước sở tại. Việc hàng hóa được các thương hiệu lớn "cõng theo" chính là 'bảo hiểm' tốt nhất cho các sản phẩm đó.
Ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, ông mong muốn có thể thành lập một chuỗi cung ứng khép kín. Trong đó, những doanh nhân người Việt ở nước ngoài sẽ là đại diện phân phối hàng hóa và cũng là người nắm bắt thông tin thị trường để cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước. Qua đó, hàng hóa sản xuất sẽ được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của mỗi thị trường, tiếp cận dễ hơn tới người tiêu dùng nước sở tại. Để người Việt làm chủ quảng bá thương hiệu của người Việt.
Trong nhiều năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đóng vai trò là cầu nối giới thiệu hình ảnh, sản phẩm thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế. Với việc tham gia sự kiện Tuần lễ Thương hiệu quốc gia, Ủy ban mong muốn nhấn mạnh vào vai trò cộng đồng kiều bào trong việc nhân rộng mô hình này trong tương lai.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, cơ quan này sẽ đề xuất lên Bộ và Chính phủ phát động phong trào mỗi người Việt Nam ở nước ngoài sẽ là một sứ giả đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với thị trường nước sở tại.
Ông Phú cũng kỳ vọng trong sự kiện Tuần thương hiệu quốc gia Việt Nam tổ chức vào năm tới, sẽ có nhiều cơ hội trao danh hiệu 'đại sứ kết nối' cho những cá nhân có cống hiến đối với việc lan tỏa thương hiệu Việt.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú lưu ý các doanh nghiệp, trong quá trình xây dựng thương hiệu, cần quan tâm việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm ở nước ngoài. Đây là bước đi quan trọng để đảm bảo thành công trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu ở nước ngoài. Rút kinh nghiệm từ những trường hợp doanh nghiệp do ngại thủ tục rườm rà, rắc rối đã bỏ qua gây bị mất bản quyền thương hiệu và tạo cơ hội cho tình trạng ăn cắp mẫu mã, hàng giả, hàng nhái.