Mối nguy từ việc người dân không mặc áo phao khi đi phà

Hành khách có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu không mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phà.

Từ nhiều năm nay, tôi vẫn giữ thói quen di chuyển qua sông bằng đường phà. Mặc dù hiện nay nhiều nơi đã có phương tiện khác để người dân lựa chọn.

Những năm gần đây, hầu hết trên mỗi chuyến phà đều có trang bị áo phao. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, dường như áo phao chỉ treo để “làm cảnh”. Hành khách lên phà không được phát áo phao và cũng không được nhắc nhở về việc mặc áo phao. Có lẽ vì không có nhân viên nhắc nhở, cảnh báo và không có người kiểm soát nên mọi người quên luôn hoặc không biết rằng việc mặc áo phao khi tham gia giao thông bằng đường phà là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người.

Đơn cử như đầu tháng 10 năm nay, khi lên phà tại một bến ở Vĩnh Long, chuyến phà có khá đông người cùng phương tiện đi kèm là xe gắn máy. Tại đây, áo phao được treo rất nhiều trên phà nhưng không một hành khách nào mặc. Tôi bắt chuyện với một bạn trẻ đứng bên cạnh để xem bạn suy nghĩ như thế nào về việc mặc áo phao. Bạn cười rồi đáp chuyện tôi: “Trước giờ có ai mặc áo phao đâu, nhân viên họ cũng đâu có nhắc nhở hay bắt mọi người phải mặc, nên mặc chi cho rườm rà anh ơi!”. Câu trả lời của bạn khiến tôi giật mình, đúng là hành khách quá coi thường việc mặc áo phao. Vì ban quản lý phà không có quy định nghiêm ngặt và tuyên truyền thường xuyên trên mỗi chuyến phà nên mọi người không ý thức được tầm quan trọng của việc mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.

Rất nhiều áo phao được treo trên phà, tuy nhiên không hành khách nào mặc. Ảnh: NGUYỄN GIA LONG

Pháp luật quy định rất rõ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thông qua Nghị định 139/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên thực tế mấy ai biết được rằng không mặc áo phao khi đi trên phà là hành vi vi phạm pháp luật? Có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt về hành vi này?

Mọi người luôn ý thức phải đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe máy. Đó là thành quả của một quá trình kéo dài nhiều năm Nhà nước nỗ lực đưa pháp luật vào cuộc sống. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan công an còn xử phạt mạnh tay đối với người vi phạm. Thiết nghĩ, để người dân ý thức trong việc mặc áo phao khi đi phà, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy. Song song đó, phải xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm giống như cách mà chúng ta đang áp dụng đối với giao thông đường bộ.

 Mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông chưa phải là thói quen của hành khách. Ảnh: NGUYỄN GIA LONG

Mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông chưa phải là thói quen của hành khách. Ảnh: NGUYỄN GIA LONG

Từ thực trạng trên, theo tôi cơ quan có thẩm quyền thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc trang bị áo phao và phao cứu sinh cho khách tại các cơ sở kinh doanh vận chuyển hành khách bằng đường thủy. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Tại các bến phà, thường xuyên có loa thông báo về quy định mặc áo phao đối với hành khách, hình thức xử lý nếu có vi phạm,…Đồng thời, dán thông báo, hướng dẫn mặc áo phao đúng cách tại các nơi dễ thu hút người đọc. Tôi tin rằng, đến một ngày nào đó việc mặc áo phao khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông sẽ là ý thức và và là hành động quen thuộc như việc đội nón bảo hiểm mỗi khi chuẩn bị bước lên xe máy.

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người lái phương tiện sử dụng phương tiện có sức chở đến 12 người có hành vi vi phạm: Không phổ biến nội quy đi tàu, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, thoát hiểm, chữa cháy cho người, hành khách trên phương tiện (Điểm C, Khoản 2, Điều 32 Nghị định 139/2021/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ có trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông (Khoản 3, Điều 34 Nghị định 139/2021/NĐ-CP).

NGUYỄN GIA LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/moi-nguy-tu-viec-nguoi-dan-khong-mac-ao-phao-khi-di-pha-post815112.html