Mỗi phiên tòa là bài học đắt giá, lời cảnh tỉnh cho người tham gia giao thông
Một trong những phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông đang được áp dụng là mô hình phiên tòa giả định.
Hiệu quả từ những phiên tòa giả định
Phát biểu tại chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" ngày 9/12, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết: Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức thực hiện, lực lượng tuần tra, kiểm soát, xây dựng bảo trì công trình kết cấu hạ tầng giao thông và những người trực tiếp tham gia giao thông đã góp phần kéo giảm sâu tai nạn giao thông (TNGT).
Kết quả đó được xây dựng từ nhiều cách khác nhau. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông đóng vai trò qua trọng.
Một trong những phương pháp tuyên truyền đang được một số địa phương áp dụng là mô hình phiên tòa giả định. Theo ông Hùng, các thông tin và thông điệp từ các phiên tòa giả định gắn với chủ đề ATGT phù hợp với mọi đối tượng, từ các tài xế, công nhân viên của ngành giao thông, đối tượng học sinh, sinh viên...
"Nhiều người nói văn hóa giao thông là khái niệm rộng, nhưng với những người làm công tác bảo đảm ATGT, thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để ta có văn hóa giao thông. Mọi giá trị trong các văn bản pháp luật là giá trị chung mà toàn xã hội theo đuổi.
Nếu ta có thói quen tìm hiểu, nắm bắt, chấp hành và cao hơn nữa là thượng tôn pháp luật, văn hóa giao thông sẽ hình thành", ông Hùng nhấn mạnh và cho rằng, việc các thanh, thiếu niên chấp hành pháp luật sẽ giúp các bạn trẻ có kiến thức, kỹ năng để trưởng thành, phát triển trong cuộc sống dù ở bất cứ nơi đâu.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" là tài liệu quý.
Tuy nhiên, các nội dung có thể sửa đổi bổ sung để điều chỉnh, xây dựng những trường hợp điển hình của các vụ án TNGT để làm thành tài liệu tuyên truyền, gửi tới các cơ quan liên quan, cơ sở giáo dục để thiết kế, lồng ghép vào chương trình giáo dục ATGT với các học sinh, nhất là học sinh THPT vì đây là đối tượng chiếm phần lớn trong các vụ TNGT liên quan tới học sinh.
Ông Hùng đánh giá bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" sẽ là tài liệu, công cụ trong công tác tuyên tuyền pháp luật, ATGT. Từ đây, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị tiếp tục nâng cao công tác tập huấn, để các học sinh có thể tự thực hiện được phiên tòa giả định.
Qua đó, công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, trang bị kiến thức, hiểu biết pháp luật cho các công dân trẻ, qua đó xây dựng văn hóa giao thông cho các tương lai của đất nước.
Thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để có văn hóa giao thông
Phát biểu tại chương trình, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Biên Thùy cho rằng, bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" tái hiện các vụ án được Tòa án nhân dân các cấp xét xử với những tình huống liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự ATGT mà người dân gặp phải, thông qua các video clip tình huống thể hiện rõ nét các hành vi vi phạm, làm nổi bật diễn biến của các phiên tòa xét xử.
Theo ông Thùy, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là chức năng, nhiệm vụ quan trọng của tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự, ATGT.
Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; Qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Thực tế trong các vụ án xét xử vi phạm quy định về giao thông đường bộ, nguyên nhân phần lớn xuất phát từ lỗi chủ quan của các bị cáo. Mỗi phiên tòa là bài học đắt giá, lời cảnh tỉnh cho cả người vi phạm và những người tham gia giao thông.
Đây là nguồn tư liệu, tài liệu quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo giục pháp luật, có tác động rất mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.
Bởi thông qua các vụ án, bản án các cơ quan truyền thông đã xây dựng nhiều tuyến bài, chuyên đề đem lại hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, thu hút người dân quan tâm, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trật tự, ATGT từ Trung ương đến địa phương.
"Từ các nội dung tuyên truyền, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT; Hiểu được nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm", ông Thùy nói.
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định, phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế tại nhiều địa phương. Với các hình thức truyên thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền qua hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác giáo dục pháp luật.
Dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật được Tòa án nhân dân các cấp tổ chức xét xử, Bộ tài liệu "Mô hình phiên tòa giả định" tập trung xây dựng các tình huống liên quan đến hành vi vi phạm mà người dân cần biết như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, điều khiển xe vượt tốc độ cho phép, điều khiển xe chạy ngược chiều, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép và các quy định về tội phạm hình sự …
Bộ tài liệu kết hợp giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế. Từ hồ sơ các vụ án, dàn dựng nhiều thể loại video clip tình huống thể hiện hành vi vi phạm của các bị cáo, đồng thời dàn dựng lại diễn biến của các phiên tòa xét xử.