Mối quan hệ giữa cấu trúc tài chính và rủi ro tài chính

Phân tích tác động của cấu trúc tài chính đến rủi ro tài chính của doanh nghiệp xi măng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là yêu cầu cấp thiết quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, làm căn cứ cho Nhà nước hoàn thiện chỉ tiêu giám sát tài chính đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp ngành Xi măng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cấu trúc tài chính và rủi ro tài chính

Cấu trúc tài chính là sự kết hợp giữa nợ (bao gồm nợ ngắn hạn, nợ dài hạn) và vốn cổ phần, tất cả được dùng để tài trợ cho quyết định đầu tư của doanh nghiệp (DN). Giữa các DN khác nhau, cấu trúc tài chính cũng có thể khác nhau. Thậm chí, cùng một DN nhưng ở các giai đoạn phát triển khác nhau thì cấu trúc tài chính cũng không giống nhau. Việc xác định một cấu trúc tài chính phù hợp trong từng giai đoạn phát triển có thể giúp DN tối đa hóa lợi nhuận.

Xây dựng một cấu trúc tài chính phù hợp nhằm đảm bảo sự hợp lý giữa cấu trúc tài sản và nguồn tài trợ (cấu trúc nguồn vốn) được xem là mục tiêu chiến lược tài chính quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN. Như vậy, chỉ tiêu cấu trúc tài chính là chỉ tiêu cần thiết thực hiện giám sát tài chính của Nhà nước đối với phần vốn góp vào DN.

Rủi ro tài chính của DN có thể hiểu là sự không chắc chắn giữa tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (hay thu nhập trên cổ phần thường) thực tế đạt được so với tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu (hay thu nhập trên cổ phần thường) kỳ vọng khi DN sử dụng nợ vay hoặc các nguồn tài trợ có chi phí cố định làm tăng thêm xác suất mất khả năng thanh toán của DN. Để đo lường mức độ rủi ro tài chính của DN, có thể sử dụng nhiều công cụ như hệ số nợ, hệ số phản ánh khả năng thanh toán, sự cân bằng tài chính.

Mối quan hệ giữa cấu trúc tài chính và rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp xi măng niêm yết

Trong giai đoạn 2009 – 2014, trong số 18 DN xi măng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được khảo sát, có 06 DN (BCC, BTS, HOM, HT1, HVX, và TXM), Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có 07 DN (QNC, SCJ, TSM, YBC, SCC, LCC, VCX) Nhà nước sở hữu nhỏ hơn 50% vốn điều lệ. Còn lại 05 DN (CCM, SDY, TBX, PTE và PX1) Nhà nước không sở hữu phần vốn điều lệ.

Mối quan hệ giữa cấu trúc tài chính và rủi ro tài chính đối với DN xi măng niêm yết Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Căn cứ theo quan hệ sở hữu, cấu trúc tài chính bao gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Hệ số nợ phải trả có xu hướng biến động giảm xuống, bình quân đạt 65,86% trong giai đoạn 2009 – 2014. Cấu trúc tài chính theo quan hệ sở hữu biến động theo xu hướng tăng dần phần vốn chủ sở hữu, xoay quanh cấu trúc 66% nợ phải trả và 34% vốn chủ sở hữu. Trong cấu trúc nợ của DN xi măng mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, các khoản nợ ngắn hạn và nợ phải trả phí chiếm tỷ trọng chủ yếu, bình quân đạt lần lượt là 35,82% và 46,66% trong giai đoạn 2009 – 2014.

Các khoản nợ chiếm dụng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn, bình quân đạt 19,2%. Việc sử dụng nhiều nợ ngắn hạn sẽ gây áp lực lên khả năng thanh toán của DN. Huy động nợ vay cao để tài trợ cho nhu cầu vốn phản ánh DN xi măng phụ thuộc nhiều vào động thái của chính sách tín dụng. Đồng thời, với cấu trúc tài chính duy trì qua từng năm trong giai đoạn 2009 – 2014, đã làm gia tăng rủi ro tài chính cho DN.

Điều này thể hiện thông qua chỉ tiêu nguồn vốn lưu động thường xuyên có xu hướng giảm liên tục từ mức 8,25% năm 2009 xuống còn – 4,79% năm 2014. Đặc biệt, trong năm 2010 – 2011, 2013 – 2014, NWC đều nhỏ hơn 0. Quy mô và tỷ suất đầu tư tài sản dài hạn không có sự biến động lớn trong 6 năm qua, tuy nhiên quy mô và tỷ trọng nguồn vốn dài hạn trên tổng nguồn vốn có xu hướng giảm dần, từ mức 69,02% năm 2009 xuống còn 57,84% năm 2014, làm cho sự cân bằng tài chính giảm xuống. Khả năng thanh toán của DN này duy trì ở mức thấp hơn 1. Khả năng thanh toán tức thời nhỏ hơn 0,3 lần, phản ánh sự căng thẳng trong thanh toán nợ tới hạn của DN này.

Như vậy, trong giai đoạn 2009 – 2014, việc duy trì cấu trúc tài chính ở mức cao, bình quân hệ số nợ trên 65% của các DN ngành xi măng niêm yết có sở hữu Nhà nước trên 50% vốn điều lệ đã làm gia tăng rủi ro tài chính, mất sự cân bằng tài chính, khả năng thanh toán rất kém.

Mối quan hệ giữa cấu trúc tài chính và rủi ro tài chính đối với DN xi măng niêm yết Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ.

Hệ số nợ phải trả có xu hướng biến động tăng trong giai đoạn 2009 – 2014, bình quân đạt 67,6% cao hơn DN xi măng mà Nhà nước sở hữu lớn hơn 50% vốn điều lệ. Vẫn chủ yếu là các khoản nợ có phí và ngắn hạn, nhưng hệ số nợ có phí và hệ số nợ ngắn hạn của DN xi măng niêm yết có sở hữu Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ có cao hơn DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Cấu trúc tài chính duy trì hệ số nợ ở mức cao và kéo dài đã gia tăng rủi ro tài chính đối với DN, cụ thể sự cân bằng tài chính giảm sút liên tục, nhỏ hơn 0 trong giai đoạn 2012 – 2014. Khả năng thanh toán hiện thời và khả năng thanh toán nhanh vẫn được duy trì ổn định và đảm bảo. Tuy nhiên, khả năng thanh toán tức thời rất thấp, nhỏ hơn 0,2 lần. Điều này cho thấy, DN xi măng niêm yết có sở hữu Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ gần như mất khả năng thanh toán nợ tới hạn.

Kết luận và khuyến nghị

Qua phân tích trên có thể thấy rằng, có mối quan hệ rõ ràng giữa cấu trúc tài chính với rủi ro tài chính của DN xi măng niêm yết. Duy trì cấu trúc tài chính với hệ số nợ phải trả trên 60% đã làm gia tăng rủi ro tài chính, mất sự cân bằng tài chính, khả năng thanh toán suy giảm và ở mức rất thấp, đe dọa sự tồn tại của DN. Nhằm đảm bảo phần vốn đã góp, Nhà nước cần đưa các DN xi măng này vào diện giám sát đặc biệt. Đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc tài chính đối với DN xi măng niêm yết với các giải pháp cụ thể sau:

Một là, thực hiện tái cấu trúc tài chính theo hướng tăng cường nguồn vốn dài hạn, nguồn vốn chủ sở hữu.

- Đối với nguồn vốn chủ sở hữu: Để gia tăng nguồn vốn chủ sở hữu, tăng cường độ vững mạnh tài chính các DN xi măng cần thực hiện tăng cường nguồn vốn từ phần lợi nhuận giữ lại; thực hiện chính sách nhằm gia tăng lợi nhuận, thực hiện các giải pháp tăng doanh thu và giải pháp giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Đa dạng các phương thức huy động vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành cổ phiếu thường hay cổ phiếu ưu đãi thông qua các phương thức như phát hành cổ phiếu bổ sung, phát hành thông qua phương thức cấn trừ nợ.

- Đối với nợ vay dài hạn: Trong thời gian tới, khi triển vọng nền kinh tế phục hồi, khả năng tiêu thụ xi măng đang có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều ngân hàng thương mại đang và sẽ tiếp tục “bơm vốn”cho các DN xi măng để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư mới. Những DN xi măng có khả năng tài chính và nền tảng hoạt động tốt sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng dài hạn của ngân hàng thương mại. Tận dụng thời cơ này để huy động vốn thực hiện các dự án cải tạo và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết đối với DN xi măng. Ngoài ra, DN ngành xi măng nên xem xét và lựa chọn phương thức vay nợ dài hạn thông qua phương thức phát hành trái phiếu DN hoặc thuê tài chính.

Hai là, định hướng cấu trúc tài chính mục tiêu.

Trong dài hạn, DN ngành xi măng cần thực hiện định hướng việc điều chỉnh cấu trúc tài chính theo giá trị thị trường về gần mức cấu trúc tài chính tối ưu (20% nợ vay và 80% vốn cổ phần). Trong ngắn hạn, cần duy trì một số cấu trúc tài chính trong biên độ từ 20% đến 60%. Những DN có cấu trúc tài chính theo giá trị thị trường cao như BCC, BTS, HVX, QNC, SDY, TBX, YBC cần điều chỉnh về mức trung bình của Ngành (60% nợ vay và 40% vốn cổ phần). Đối với TXM, cần thực hiện đa dạng hóa nguồn tài trợ, các nguồn tài trợ từ vay nợ nên được sử dụng. Thực hiện vay nợ nhằm nâng hệ số nợ theo giá trị thị trường lên mức 30%. Các DN còn lại cần tiếp tục hạ thấp hệ số nợ xuống gần với mức cấu trúc tài chính tối ưu.

Ba là, định kỳ thực hiện phân tích lại chính sách về cấu trúc tài chính.

Cấu trúc tài chính tối ưu được xây dựng dựa trên số liệu quá khứ và tại thời điểm cuối năm 2014. Do đó, khi có những thay đổi trọng yếu trong hoạt động kinh doanh và quản trị tài chính thì cần thực hiện phân tích lại chính sách cấu trúc tài chính của DN. Những thay đổi trọng yếu cần quan tâm đó là:

+ Hiệu quả kinh doanh: Khi có sự thay đổi quan trọng về hiệu quả kinh doanh như doanh thu tăng lên, giá thành giảm xuống sẽ làm gia tăng tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản (BEP). Khi BEP lớn hơn chi phí sử dụng vốn vay thì đòn bẩy tài chính khuyếch đại dương. Việc gia tăng nợ vay sẽ làm gia tăng lợi ích cho chủ sở hữu. Ngược lại, khi khả năng sinh lời giảm sút, DN cần giảm hệ số nợ nhằm đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông.

+ Chính sách thuế thu nhập DN: Việc sử dụng nợ vay sẽ đem lại cho DN lợi ích từ tấm chắn thuế. Khi thuế suất thuế thu nhập DN giảm đi thì lợi ích này cũng giảm theo. Trong năm 2013, chính sách thuế thu nhập DN tại Việt Nam đã có sự thay đổi giảm từ 25% xuống còn 22% hoặc 20%. Vì vậy, lợi ích từ tấm chắn thuế đã giảm sút, DN cần thực hiện phân tích lại chính sách cấu trúc tài chính mục tiêu.

+ Chính sách đầu tư: DN ngành xi măng có đặc điểm cần sự đầu tư lớn vào tài sản cố định, sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng trong sản xuất. Đến cuối năm 2015 hoàn thành chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay. Do đó, nhu cầu về vốn đầu tư dài hạn là rất lớn. Việc đa dạng hóa nguồn tài trợ, đặc biệt là nguồn tài trợ dài hạn như vốn vay dài hạn, vốn chủ sở hữu là rất cần thiết. Chính sách đầu tư thay đổi sẽ tác động rất lớn đến rủi ro kinh doanh, chi phí sử dụng vốn và cấu trúc tài chính mới của DN. Điều chỉnh cấu trúc tài chính phù hợp hơn với chính sách đầu tư của DN cũng là việc làm cần thiết.

ThS. NGUYễN VIệT DŨNG - Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 2/2016

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/moi-quan-he-giua-cau-truc-tai-chinh-va-rui-ro-tai-chinh-106093.html